World Cup không có chỗ cho những nỗi buồn. Chỉ 24 tiếng sau khi Lionel Messi và Cristiano Ronaldo phải cúi đầu rời giải với những thất bại ở vòng 1/8, thế giới bóng đá có thể quên ngay đi câu chuyện này để hướng tới một cơn địa chấn khác. Dưới màn mưa nặng hạt ở Luzhniki, chủ nhà Nga đã vượt qua cựu vương Tây Ban Nha để có lần đầu tiên có mặt tại tứ kết World Cup.

nga_vs_tay_ban_nha_alfy.jpg
Tây Ban Nha không thể xuyên phá hàng thủ kỷ luật của Nga. (Ảnh: Getty)
Một chiến thắng lịch sử, một sự kiện lịch sử với đội bóng của HLV Stanislav Cherchesov. "Bất ngờ" là từ đầu tiên để nói về kết quả này, nhưng đó là với những ai không theo dõi trận đấu. Còn bất cứ khán giả nào xem cách Nga chơi bóng đều hiểu: chiến thắng của "Gấu Misa" là vô cùng xứng đáng.

Đỉnh cao phòng ngự khu vực

Ngay trước thềm vòng 1/8, tờ The Guardian đã có bài viết phân tích tại sao World Cup 2018 lại là sân chơi tôn vinh lối đá phòng ngự. Lần lượt Iran, Nhật Bản, Thụy Điển, Australia, Thụy Sĩ hay nhiều đội bóng "cửa dưới" đều tạo nên những cú sốc (không ít thì nhiều) trước các đội mạnh nhờ lối chơi phòng ngự khoa học, nhưng chưa đội bóng nào lại biến phòng ngự trở thành nghệ thuật như người Nga trong 120 phút nín thở trước Tây Ban Nha đêm qua.

Bước vào giải đấu với hoài nghi về mặt bản lĩnh cũng như sự gắn kết về lối chơi (do không phải đá vòng loại World Cup), song người Nga đã chứng minh: với một chiến thuật hợp lý được thực hiện bởi sự tỉnh táo và quyết tâm của từng cá nhân, điều gì cũng có thể xảy ra.

Nga có chiến thắng thuyết phục trước Tây Ban Nha.
Hàng phòng ngự 5 người của "Gấu Misa" đã phong tỏa quá tốt các chân sút đẳng cấp thế giới của Tây Ban Nha, khiến Diego Costa phải rời sân với chỉ 1 cú sút trúng đích duy nhất hay Iago Aspas, Rodrigo dù được tung vào sân trong trạng thái sung sức mà vẫn không thể để lại dấu ấn. Cách tiếp cận của Nga cũng rất biết mình biết người với 7 cầu thủ thường trực "siết chặt" khu trung tuyến để ngăn các pha phối hợp trung lộ, ép Tây Ban Nha phải dạt biên đá trái sở trường.

Tại đây, tuyến hai của Nga gồm những Daler Kuzyaev hay Roman Zobnin đã hoàn thành tốt nhiệm vụ che chắn, không để các tiền vệ của Tây Ban Nha bật ngược lại bóng cho tuyến hai dứt điểm. Không ít lần, Dani Carvajal và Jordi Alba phải... tỉa bóng qua lại giữa hai biên bởi nếu thực hiện những quả tạt, hàng thủ cao lớn của Nga sẽ không khó khăn để hóa giải.

Sự hợp lý trong khâu kèm người và phối hợp bọc lót của Nga khiến Tây Ban Nha dù có thực hiện xấp xỉ 1200 đường chuyền và sút bóng tới 22 lần, cầu môn của Igor Akinfeev cũng hiếm khi bị đặt ở tình trạng báo động. 2 cơ hội của Costa và Rodrigo chỉ đến từ những nỗ lực đơn lẻ sau hàng chục tình huống lên bóng bị "bức tường" màu trắng đánh bật.

Lần đầu tiên ở World Cup năm nay, Nga phải chơi phòng ngự chủ động trước một đối thủ. Màn trình diễn của Sergei Ignashevich chứng minh họ không hề lạ lẫm với kiểu chơi này. "Nga đã tập luyện để ứng phó rất kỹ với các diễn biến trên sân" - Ignashevich không hề quá lời.

Tinh thần quyết thắng

Khoảnh khắc ăn mừng với kiểu chào quân đội của Artem Dzyuuba sẽ còn được người Nga nhớ đến rất lâu. Phẩm chất quân ngũ của Nga không chỉ tồn tại trong kiểu ăn mừng ấy, mà còn hiển hiện trong cách Nga chơi bóng và đương đầu với đối thủ mạnh hơn mình nhiều lần.

Tây Ban Nha là tập hợp của những cầu thủ là những nhà vô địch thế giới thực thụ trong màu áo CLB và ĐTQG, trong khi cầu thủ "số má" nhất của Nga từng chơi bóng tại 1 trong 5 nền bóng đá lớn nhất châu Âu là Denis Cheryshev - tài năng trẻ từng bị Real Madrid đào thải.

Dẫu vậy, khoảng cách rất lớn về mặt thực lực và đẳng cấp nhanh chóng bị xóa nhòa khi Nga vào trận với ý chí "bạt sơn" và duy trì sự quyết tâm trong cả 120 phút. Ngay cả khi nhận bàn thua thiếu may mắn từ pha đá phản lưới nhà của Ignashevich, Nga vẫn không hề nao núng. Các cầu thủ tuân thủ tuyệt đối chiến thuật của HLV Cherchesov, giữ vững cự ly đội hình để không vỡ trận trước sức ép của Tây Ban Nha.

Hình ảnh "cảm tử" được nhìn thấy rõ nhất ở Ilya Kutepov - cầu thủ đã chơi rất tệ trước Uruguay, bỗng lột xác và trở thành đá tảng vững chắc trước khung thành của Akinfeev. Không chỉ phá bóng giải nguy nhiều nhất (10 lần), Kutepov còn tạo động lực cho các đồng đội khi thi đấu với tinh thần máu lửa dù có tới 3 lần phải nằm sân sau các tình huống chuột rút hay bị đối phương phạm lỗi. 

Bàn thua sớm là sai lầm duy nhất của hàng thủ Nga.

Trong khi đó, Ignashevich chơi trọn 120 phút và liên tục đeo bám tiền đạo đối phương ở tuổi... 39 để trở thành cầu thủ cao tuổi nhất tại World Cup năm nay bước đến vòng tứ kết. Hàng phòng ngự của Nga đã có tổng cộng... 34 lần giải nguy trong trận này - một kỷ lục ở vòng 1/8.

Nhìn cách Alexandr Golovin, Artem Dzyuba hay Aleksandr Samedov miệt mài gây áp lực lên đối phương và tham gia hỗ trợ phòng ngự, có thể hiểu tại sao Nga đang là đội tuyển chạy nhiều nhất World Cup, bất chấp không sở hữu những cầu thủ thực sự mạnh về mặt thể lực.

Sức ép của tuyến trên cộng hưởng với sự chắc chắn của tuyến dưới giúp Nga vây ráp hàng công của Tây Ban Nha và cô lập các phòng tuyến. Xin nhắc lại, số cơ hội thực sự trong trận này của "Bò tót" chỉ là 3, dù các nhà cựu vô địch thế giới cầm bóng tới 79% và chuyền chính xác 90%.

Tây Ban Nha gây thất vọng lớn

Chiến thắng gây sốc tại Luzhniki có được bởi 2 yếu tố. Sự xuất sắc của Nga và sự bất lực của Tây Ban Nha nữa.

Ignashevich từng khẳng định Tây Ban Nha là đội bóng "1 bài", không có gì đổi khác so với thời điểm vô địch World Cup cách đây 8 năm. Trung vệ người Nga đã đúng. Tây Ban Nha không có bất cứ bài vở gì cụ thể ngoài những đường chuyền ngắn nhằm kéo giãn và tìm kiếm khoảng trống ở hàng thủ đối phương, nhưng khi Nga nghiên cứu kỹ thói quen di chuyển và cách thức chuyền bóng của Tây Ban Nha, "Bò tót" lập tức... tắt điện.

Tây Ban Nha xứng đáng bị loại.

Không có khoảng trống, những ảo thuật gia như Isco, David Silva, Andres Iniesta hay Marco Asensio bỗng lóng ngóng và mờ nhạt đến tội nghiệp. 7 đường chuyền đột biến là con số mà hàng tiền vệ hay nhất thế giới của Tây Ban Nha tạo ra, quá ít để có thể xuyên thủng hàng thủ nhiều tầng của Nga.

Nên nhớ, trong thế trận mà đội chủ nhà bọc lót cho nhau cực tốt, chuyền đột biến chỉ là điều kiện cần. Tây Ban Nha dứt điểm quá tệ, và khi Costa bị rút ra khỏi sân, hàng công "Bò tót" xem như mất đi sức chiến đấu. Cộng với sai lầm ngớ ngẩn của Gerard Pique, Tây Ban Nha đơn giản là không thể gượng dậy.

Bị đối thủ ép phải chơi theo "sở đoản" bóng dài, đó là điều mà HLV Fernando Hierro đã lường trước được, song không hề có phương án để đối phó. Đó là hậu quả tất yếu từ việc Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha đã sa thải HLV Julen Lopetegui ngay trước ngày khai màn. Hierro có thể làm tốt khía cạnh tinh thần, nhưng xét về khía cạnh chiến thuật, huyền thoại của Real chỉ là "gã học việc"./.