Để hiểu mối quan hệ vừa yêu vừa ghét của dân Croatia với Modric, phải nói một chút về Zdravko Mamic, Giám đốc điều hành lâu năm của CLB lớn nhất Croatia, Dinamo Zagreb.

Ảnh hưởng của Mamic lên nền bóng đá Croatia rất lớn, vì ông còn có thời gian giữ chức Phó Chủ tịch LĐBĐ Croatia.

modric_igxz.jpg
Vì lý do đó mà Modric - dù là cầu thủ xuất sắc nhất, lại vừa lãnh đạo Croatia vào đến tận chung kết World Cup - lại bị công chúng ghẻ lạnh? (Ảnh: Getty)
Vị này thì tham nhũng, rửa tiền, trốn thuế, không việc gì không làm. Năm 2015, Mamic bị tòa tuyên án tù sáu năm rưỡi với các tội danh tham ô và trốn thuế. Rất xảo quyệt, Mamic trốn qua Bosnia-Herzegovina.

Giữa năm 2017, Modric được mời đến toà làm chứng. Và ở đây, anh nói một câu nổi tiếng: "Tôi không nhớ gì cả". Để bao che cho Mamic, Modric thừa nhận mình không nhớ bất kỳ điều gì, từ số tiền đầu tiên nhận từ Dinamo cho đến điều khoản trong hợp đồng bán anh sang Tottenham hồi 2008.

Lời khai ấy ngược lại với những gì anh từng khai trước đó ít lâu. Dân Croatia nhận ra ngay là Modric muốn cứu Mamic. Nên từ chỗ thù ghét Mamic, họ chuyển sang giận lây Modric. Tòa truy tố Modric tội khai man, và anh đối diện với án tù năm năm nếu tội danh được xác lập.

Thế nên ngay trong World Cup này, người ta thấy CĐV Croatia vừa cổ vũ đội nhà, vừa tranh thủ phản ứng với thủ quân của họ.

Một nhóm CĐV trận nào cũng mặc áo số 10 của Croatia với hàng chữ "Ne sjecam se" (Tôi không nhớ gì cả), nhại lại lời khai trước tòa của Modric. Ở các bức tường tại Zagreb, người ta đã vẽ lên đó hàng chữ: "Luka, một ngày nào đó anh sẽ phải nhớ ra thôi".

Tờ Guardian, trước trận đấu giữa Croatia và Nigeria, đã hỏi anh liệu án tù treo lơ lửng vậy có ảnh hưởng gì đến phong độ cá nhân lẫn đội bóng không?

Modric lạnh lùng đáp: "Không còn câu gì thông minh hơn để hỏi à?". Sau hôm ấy, báo chí Anh ghét luôn Modric, càng ghét bạo khi Croatia vừa loại Anh ở bán kết.

Cái họ Modric gắn liền với nơi anh sinh ra: Modrici, một thị trấn bên sườn dãy Velebit. Thuở còn nhỏ, anh đã chứng kiến bom rơi trước nhà và đạn vãi từ những ngọn đồi xuống thị trấn. Anh quá quen với việc hôm trước còn chào nhà hàng xóm, hôm sau họ đã ra người thiên cổ.

Modric không run sợ trong nghịch cảnh, vì anh vốn sinh ra trong chiến tranh. (Ảnh: Getty)
Thesefootballtimes trong một bài viết về Modric có đoạn: "Khi xoay tay nắm cửa để bước ra ngoài, thứ Luka thấy chỉ là khói bụi, tro tàn. Khói phủ bầu trời và tạo thành nhũng cụm mây kỳ quái, tựa như che giấu bóng hình chiến tranh. Những vỉa hè loang lổ, những hố bom xám xịt và vài căn nhà tan hoang, nom hoang phế như ở Mặt Trăng. Và từ đống tro tàn ấy, cậu bé 6 tuổi Luka đã khởi đầu cho một hành trình khởi sinh cái đẹp".

Ba mẹ Modric làm việc trong nhà máy luyện kim. Ba Modric, ông Stipe đã lấy tên cha mình đặt cho con. Nên ông nội của Luka Modrid được gọi là "Già Luka". Suốt ngày ba mẹ ở công ty, một ông một cháu sống với nhau, đến mức nhiều người những tưởng Luka mồ côi.

Ngày 18-12-1991, "Già Luka" dẫn đàn gia súc băng qua đồi như thường ngày. Nhưng chiến tranh đã nổ ra, quân Serbia bắt ông cùng sáu cụ già khác, mang đến Jesenice để hành quyết. Ba Luka bị ép phải vào quân đội, mẹ bị đuổi khỏi công ty. Gia đình thế là bồng bế nhau đi tị nạn.

Modric có lối đá rất lạ. Vừa công nhân cực kỳ, nhưng cũng cực kỳ nghệ sĩ. (Ảnh: Getty)
Họ tìm đến Zadar và ở đó suốt bảy năm sau đó. Khốn khổ thay, Zadar bị kẹp giữa hai vùng chiến tuyến. Quân đội bên nào cũng muốn chiếm Zadar vì vị trí chiến lược của nó. Bảy năm trời, gia đình Luka sống nương nhờ một khách sạn.

Được cái ba mẹ vẫn uốn cho Luka có tuổi thơ, nên khuyên cậu ra ngoài đá bóng. Một vị lao công khách sạn thấy Luka có khiếu, mới gọi điện cho CLB địa phương NZ Zadar.

Rồi từ NZ Zadar, Modric được giới thiệu đến Dinamo Zagreb. "Bố già" Mamic khoái cậu bé, ký luôn hợp đồng 10 năm, cho luôn cái séc cầm trên tay. Việc đầu tiên Modric làm là về lại Zadar, kéo ba mẹ ra khỏi khách sạn, mua luôn căn nhà mới.

Modric chạy nhiều, tranh chấp nhiều, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Nhưng anh cũng là cầu thủ hiếm hoi thời nay, giữa muôn trùng vây, vẫn dám tỉa quả bóng với cái má ngoài.

Nhiều người nói Modric giống Pirlo, mình thấy không giống. Pirlo là ông chủ rõ ràng. Modric vừa kiểu ông chủ, vừa là công nhân. Không ai làm được thôi đưa quả bóng đây tôi làm cho.

Trận đấu với Anh, Croatia đang bế tắc rõ quyết định dùng tuyệt chiêu cuối: chuyền cho Modric rồi cả đám cùng chạy lên.

Kiểu gì Modric cũng sẽ đưa quả bóng đến chỗ nguy hiểm. Nếu Croatia vô địch thì công chúng có tha thứ cho Modric không? Có lẽ cũng không quan trọng. Vì họ từ bỏ anh, chứ anh có bao giờ từ bỏ Tổ quốc đâu./.