Câu chuyện cầu thủ Việt kiều Lee Nguyễn không tìm được chỗ đứng ở V.League và buộc phải khăn gói dời mảnh đất hình chữ S vừa lắng xuống thì sân chơi “sang” nhất làng lại “nổi sóng” với sự kiện đội bóng bên bờ sông Mã chấm dứt hợp đồng với Mạc Hồng Quân (sinh tại Hải Dương, trưởng thành trong màu áo đội bóng hàng đầu xứ pha lê Sparta Praha).

Có lẽ không phải bàn nhiều về sự “hút khách” của sân chơi cao nhất làng cầu quốc nội. Thời điểm mà các doanh nhân lắm tiền nhiều của đến với sân cỏ vì tình yêu thì ít mà muốn mượn bóng đá để đánh bóng thương hiệu thì nhiều đua nhau “rẽ ngang” sang trái bóng tròn, V.League thực sự là “con gà đẻ trứng vàng” cho những ai muốn theo nghiệp cầu thủ. Giới quần đùi áo số, đủ cả màu da lẫn quốc tịch nối chân nhau chọn V.League làm bến đỗ. Bên cạnh lực lượng ngoại binh, còn có các cầu thủ gốc Việt như Ludovic (tên Việt Nam là Mã Trí), rồi Lee Nguyễn, hai anh em Emil Lê Giang và Patrick Lê Giang, Johnny Nguyễn, gần đây nhất là Mạc Hồng Quân…

anh%20tr%2017%20copy.jpg
Lee Nguyễn (trái) và Mạc Hồng Quân 

Điểm chung đáng lưu ý của các cầu thủ gốc Việt là họ đều chưa tìm được chỗ đứng ở các giải đấu hàng đầu cựu lục địa; hồi hương trong tâm thế “yếu trâu hơn khỏe bò”. Chẳng thế mà khi nhận định về “dòng thác” cầu thủ gốc Việt đổ về V.League, nhà cầm quân Vương Tiến Dũng từng không ngần ngại phát biểu: sẽ rất khập khiễng nếu so sánh giải vô địch Việt Nam với các nền bóng đá hàng đầu thế giới. Chúng ta thua kém họ rất nhiều, cả về môi trường thi đấu cũng như đãi ngộ. Bởi vậy những “ngôi sao” từ bỏ châu Âu để lập nghiệp nơi “vũng trũng” đều là “sao xịt” hoặc đã hết thời!

Thật vậy, một thực tế mà các nhà làm giải dẫu không muốn vẫn phải chấp nhận là đa số “người con tha hương”, về Việt Nam khởi nghiệp, đa phần đều vì “cơm áo gạo tiền” hơn là muốn được thi đấu trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp. Hãy xem Mạc Hồng Quân, tiền lương hàng tháng mà CLB Sparta Praha chi trả còn thấp hơn rất nhiều mức đãi ngộ của CLB Bóng đá Thanh Hóa (lương 60 triệu đồng/tháng, lót tay 80 ngàn USD/mùa).

Ở góc độ khác, ẩn sau lớp vỏ hào nhoáng bên ngoài (tiền chuyển nhượng lên tới hàng trăm ngàn USD, lương tháng vài chục, thậm chí vài trăm triệu đồng), sân chơi V.League còn vô số “đặc thù” khác như cầu thủ thoải mái trốn thuế thu nhập; nạn cục bộ, bè phái trong lòng các CLB. Chẳng phải tiền vệ Lee Nguyễn từng được ông bầu Đoàn Nguyên Đức trống giong cờ mở mời gọi về Hoàng Anh Gia Lai nhưng chưa lâu sau đã phải cay đắng rời “phố Núi” vì không nhận được sự hợp tác từ các đồng đội đó sao?

Chưa hết, đa số các cầu thủ trưởng thành tại các lò đào tạo của “Tây” khi ra sân đều đề cao sự chuyên nghiệp. Họ biết cách “giữ gìn đôi chân”, tránh các va chạm không cần thiết. Trong khi đó, bóng đá Việt Nam đã và đang thịnh hành thứ bóng đá bạo lực. Một giai thoại ngỡ như đùa là ngày còn theo nghiệp HLV, ông Nguyễn Thành Vinh (đội Sông Lam Nghệ An) đã ra sát đường piste, hò hét đám “gà nhà”: “đá chết bỏ nó đi”! Rõ ràng, V.League không thể là môi trường thi đấu lý tưởng cho các chân sút được đào tạo bài bản. Khi được hỏi về sự kiện đội bóng bên bờ sông Mã chấm dứt hợp đồng với Mạc Hồng Quân, một đồng đội của Quân đã đưa ra nhận xét: “nó” chơi bóng lành quá mà muốn “sống” được ở V.League thì phải tinh ranh. Đừng quên rằng những Nguyễn Rogerio (Thanh Hóa), Anjembe Timothy (Hoàng Anh Gia Lai), Hoàng Vũ Samson (CLB Hà Nội T&T), G.Merlo (SHB Đà Nẵng)… để có thể “đứng vững” và trở thành trụ cột tại các CLB, bên cạnh thể lực, năng lực, họ còn sở hữu không ít “chiêu”, “mánh”, khi cần có thể “đáp trả” lại các đồng nghiệp bản xứ.

Chưa bàn đến khái niệm “thay đổi tích cực” hay “thay đổi tiêu cực”, song thực tế là sau 14 năm “khoác áo chuyên”, giải vô địch quốc gia đã có sự biến đổi về chất. V.League không còn là mảnh đất màu mỡ cho các cầu thủ gốc Việt, đồng thời sân cỏ nước nhà cũng không còn khái niệm cứ là “hàng ngoại” sẽ được chào đón. Hiện tượng cầu thủ gốc Việt ùn ùn đổ về V.League rồi lại ào ào rút (hoặc bị sa thải), xét cho cùng chỉ bởi họ chưa hiểu hết giải vô địch quốc gia, cũng như các ông bầu, các nhà làm giải chưa hiểu hết họ mà thôi./.