Người hâm mộ Việt Nam vui mừng với chiến tích của Nga không chỉ bởi mối quan hệ gần gũi giữa lịch sử, văn hóa giữa hai nước. Chúng ta "sướng tê người" khi chứng kiến Nga quật ngã Tây Ban Nha còn bởi chiến thắng của "Gấu Misa" có nhiều điểm tương đồng với chiến tích của U23 Việt Nam tại giải U23 châu Á cách đây 6 tháng.

Trên đất Thường Châu, U23 Việt Nam phải khởi đầu với mục tiêu "có điểm đã là thành công", để rồi, thầy trò HLV Park Hang Seo tiến thẳng đến trận chung kết, bỏ lại sau lưng một loạt đối thủ tên tuổi như U23 Australia, U23 Iraq hay U23 Qatar. Đặc biệt, cách U23 Việt Nam phòng ngự kiên cường trước U23 Qatar ở bán kết và giành chiến thắng trên chấm luân lưu rất giống cách người Nga khiến cựu vương Tây Ban Nha phải cúi đầu về nước.

 

Một thế trận phòng ngự quả cảm, một tinh thần thép ở loạt "đấu súng" và đội bóng cửa dưới tạo nên kỳ tích. Từ nước Nga xa xôi, người Việt Nam đã thấy bóng hình quen thuộc.

Trước thềm World Cup, huyền thoại Andrei Kanchelskis từng nói “đây là tuyển Nga yếu đuối nhất trong lịch sử”. Hơn 2/3 số cổ động viên Nga được khảo sát vẫn tưởng rằng đội nhà còn có... Andrey Arshavin (cựu tuyển thủ Nga đã lưu lạc sang Kazakhstan chơi bóng). Chỉ số ít số người được hỏi tin Nga đủ sức vượt qua vòng bảng. Đành rằng bóng đá không phải môn thể thao vua ở xứ bạch dương, nhưng sự thờ ơ của khán giả dành cho tuyển Nga quả thực đáng buồn. Một nỗi buồn hợp lý sau 10 năm khủng hoảng của "Gấu Misa".

Chỉ đến khi Nga gây tiếng vang với liên tiếp hai chiến thắng (trước Ả Rập Xê Út và Ai Cập) cùng 120 phút đi vào lịch sử trước Tây Ban Nha, thầy trò HLV Stanislav Cherchesov mới gợi lại phần nào hình ảnh huy hoàng của bóng đá Liên Xô cũ. 10 năm rồi, người Nga mới vui như thế.

155433-1.jpg

Giấc mơ hồi sinh được thắp lại trong thời khắc sinh tử.

Nhắc đến chu kỳ 10 năm, bóng đá Việt Nam và bóng đá Nga giống nhau đến lạ. Năm 2008, tuyển Việt Nam bước lên đỉnh cao AFF Cup dưới sự dẫn dắt của "phù thủy" Henrique Calisto, chấm dứt ngót nửa thế kỷ trắng tay của bóng đá nước nhà ở đấu trường khu vực. Năm 2008, tuyển Nga của Guus Hiddink dù không vô địch, song cũng để lại dấu ấn đậm nét ở EURO khi lọt vào đến bán kết, chỉ chịu thua chính... Tây Ban Nha.

"Gấu Misa" năm ấy gây tiếng vang lớn khi đánh bại Hà Lan - đội bóng hoàn hảo của HLV Marco van Basten tới 3-1 ở tứ kết trong trận đấu mà 10 cầu thủ Nga (trừ thủ môn) đã chạy không dưới 11 km để phong tỏa đối thủ. Sức ép của Nga lớn đến mức bình luận viên phải thốt lên: "Cứ mỗi khi một cầu thủ Hà Lan có bóng, sẽ có ít nhất hai cầu thủ Nga lao vào ngăn chặn". Đêm qua, Nga chôn vùi Tây Ban Nha cũng bằng sự kỷ luật và bền bỉ như vậy.

10 năm sau thành công chứng kiến sự chững lại của bóng đá Việt Nam. Các cấp độ đội tuyển sa sút khi không có thêm lần nào lọt vào chung kết AFF Cup, đồng thời trắng tay ở SEA Games. Vinh quang của thế hệ Công Vinh, Minh Phương, Tài Em,... trở thành cái bóng quá lớn phủ lên thế hệ nối tiếp, khiến chức vô địch 2008 cho đến trước năm nay, vẫn là thành quả duy nhất mà người Việt Nam nhớ đến khi nhắc về đội tuyển.

Bóng đá Nga thậm chí đi xuống thảm hại sau thành công tại EURO 2008. Dưới thời những HLV tên tuổi như Fabio Capello, Dick Advocaat, Leonid Slutsky, Nga bị loại sớm ở cả EURO lẫn World Cup. Dấu ấn của lớp kế cận mờ nhạt tới mức, 10 năm qua, người Nga cũng chỉ biết đến Roman Pavlyuchenko hay Arshavin - những người hùng ở EURO 2008.

 Bóng đá Nga từng trải qua cuộc khủng hoảng trầm trọng sau vinh quang 2008.

Ở cấp độ CLB, các đội bóng Nga cũng xuống dần đều sau chức vô địch UEFA Cup của Zenit St Petersburg. Thất bại của những CSKA Moscow, Lokomotiv Moscow hay Spartak Moscow càng tô điểm thêm cuộc khủng khoảng tới tận gốc rễ của bóng đá Nga, tới mức cổ động viên không dám lạc quan dù xứ bạch dương là chủ nhà World Cup.

Để rồi, phần còn lại của câu chuyện trong năm 2018 đã trở thành lịch sử. Đầu năm nay, bóng đá Việt Nam vỡ òa với thành công của lứa U23, trước khi người Nga cũng nở nụ cười mãn nguyện với thành công của ĐTQG. Sẽ rất khiên cưỡng khi so sánh tầm vóc của hai chiến tích, song hai nền bóng đá đã có những phút giây tương đồng đến lạ. Cùng thăng hoa vào năm 2008, cùng chìm vào khó khăn trong 10 năm tiếp theo, trước khi cùng có một cú hích ngoạn mục ở thời điểm ít ai ngờ tới nhất.

Nói đến V-League thế nào, nói đến giải VĐQG Nga thế ấy. Thành công ở cấp độ đội tuyển sẽ không phản ánh điều gì nếu giải VĐQG không cải thiện chất lượng và đem đến niềm tin cho người hâm mộ. Từng có một cú hích tương tự trong quá khứ và để lỡ thời cơ phát triển, hơn ai hết, bóng đá Việt Nam và bóng đá Nga cần phải trân trọng từng khoảnh khắc đứng trên vinh quang. Sau kỳ World Cup này, hy vọng các sân bóng tại Nga sẽ đông khán giả hơn, giống như "hiệu ứng U23" mà V-League may mắn hưởng lợi.

Đừng để thành công hôm nay chỉ là vì sao đơn côi, tỏa sáng một lần rồi vụt tắt mãi mãi. Hãy thắp sáng vì sao ấy để tạo nên một bầu trời sao với thành công vững bền, thay vì phải chờ đợi một thập kỷ mới được "sướng" một lần. Lâu lắm người hâm mộ mới tin, hãy để họ thấy niềm tin ấy được đặt đúng chỗ. Có như thế, những giọt mồ hôi đổ xuống trên đất Thường Châu đầu năm 2018 hay Luzhniki đêm qua không bị phí hoài giá trị./.