Clip U22 Việt Nam 1-1 U22 UAE (Bản quyền: Next Media)

Đúng như tuyên bố “không đặt nặng kết quả” của đại diện hai đội trước trận đấu, cả U22 Việt Nam lẫn U22 UAE đều chơi cầm chừng trong trận giao hữu trên sân Thống Nhất. Đây là điều có thể hiểu được khi đôi bên sẽ gặp lại nhau tại VCK U23 châu Á 2020.

BHL U22 Việt Nam cũng đã “chơi chiêu” đảo lộn số áo để che mắt các đối thủ. Trong đó, Việt Hưng mang áo số 19 như để “đóng giả” Quang Hải khi hai tiền vệ này có vóc dáng khá tương đồng, cùng thuận chân trái và chơi bóng khôn ngoan.

Tuy nhiên, vẫn có những cầu thủ U22 Việt Nam mang số áo quen thuộc như Đức Chinh (18) hay Hoàng Đức (14). Giống như trong sự hư ảo của một trận giao hữu mang tính thử nghiệm, vẫn có những điểm nhấn phản ánh tình hình thực tế của U22 Việt Nam.

Đầu tiên là vị trí số 1 của Tiến Dũng trong khung thành. Thủ môn này đã chơi trọn vẹn 90 phút trước U22 UAE, giống như kịch bản ở trận giao hữu với U22 Myanmar hồi tháng 6. Tiến Dũng cũng ra sân ngay từ đầu ở trận gặp U22 Trung Quốc hồi tháng trước và Văn Toản chỉ được thử nghiệm sau giờ nghỉ.

Mối nghi ngờ rằng Tiến Dũng liệu mất suất bắt chính ở U22 Việt Nam sau một mùa giải thường xuyên ngồi dự bị tại Hà Nội FC, xem như đã có lời giải. BHL tỏ rõ sự tin tưởng và tạo điều kiện thi đấu tối đa cho thủ môn gốc Thanh Hóa.

u22_viet_nam_1_1_u22_uae_ciuo.jpg
Tỷ số hòa 1-1 là kết quả hợp lý cho màn trình diễn của U22 Việt Nam và U22 UAE. (Ảnh: CTV Duy Anh)

Ngoài Tiến Dũng, có 5 cái tên khác luôn có mặt trong đội hình xuất phát của U22 Việt Nam trong 3 trận giao hữu chính thức đã qua gồm: Tấn Tài, Đức Chiến, Thanh Thịnh, Việt Hưng, Hoàng Đức. Đây sẽ là những nhân tố nòng cốt cho chiến dịch SEA Games và VCK U23 châu Á sắp tới, dù không phải ai cũng chắc suất đá chính.  

Đức Chinh mới có lần đầu tiên ra sân trong chuỗi trận giao hữu của U22 Việt Nam, sau khi vắng mặt ở 2 trận thắng U22 Myanmar và U22 Trung Quốc. Thế nhưng, cú đánh đầu tung lưới U22 UAE của Đức Chinh cho thấy vai trò săn bàn rõ nét của các tiền đạo trong lối chơi ở U22 Việt Nam.

Nếu như ở ĐT Việt Nam, người ta liên tục đặt câu hỏi về việc các tiền đạo không ghi bàn thì ở U22 Việt Nam, các tiền đạo là nguồn cung bàn thắng chính. Tính 3 trận ở vòng loại U23 châu Á, 3 trận giao hữu trong các đợt tập trung ngắn ngày và 3 trận giao hữu chính thức, các tiền đạo đã ghi bàn ở 8/9 trận đấu của U22 (U23) Việt Nam.

Đức Chinh (3 bàn), Tiến Linh (3 bàn), Hoàng Đức (1 bàn), Việt Cường (1 bàn), Danh Trung (1 bàn), Thanh Bình (1 bàn), Tiến Đạt (1 bàn) đóng góp 11/21 bàn thắng của U22 Việt Nam trong chuỗi trận này.

Đức Chinh cho thấy, mình vẫn là nhân tố quan trọng của U22 Việt Nam. (Ảnh: CTV Quyệt Đồng)

Ngược lại ở hàng thủ, có thể thấy rõ cơn đau đầu của HLV Park Hang Seo và các cộng sự trong bài toán tìm người thay thế Đình Trọng. Trước U22 UAE, Đức Chiến và Việt Anh là 2 cái tên được thử nghiệm ở trung tâm hàng phòng ngự 3 người.

Từ chiến dịch vòng loại U23 châu Á đến nay, thầy Park đã sử dụng 7 gương mặt ở trung tâm hàng phòng ngự gồm Thành Chung, Tấn Tài, Tiến Dụng, Hữu Lâm, Khắc Vũ, Đức Chiến, Việt Anh. Đáng tiếc, không ai mang đến sự yên tâm trong cả khâu phòng ngự lẫn triển khai lối chơi như Đình Trọng.

Nếu Đình Trọng không kịp bình phục chấn thương để tham dự chiến dịch săn vàng SEA Games 30, rất có thể HLV Park Hang Seo sẽ đăng ký 1 trong 2 suất trên 22 tuổi cho vị trí thủ lĩnh hàng phòng ngự.

Hàng thủ cũng là nơi đã mắc sai lầm dẫn đến bàn thua của cả U22 Việt Nam lẫn U22 UAE. Điều này nhấn mạnh một thực tế “xưa như trái đất” rằng mỗi sai lầm trước các đối thủ ở tầm châu lục đều phải trả giá đắt.

Và nếu Đình Trọng không kịp bình phục cho VCK U23 châu Á 2020, cơn đau đầu của HLV Park Hang Seo sẽ còn trầm trọng hơn nữa, khi không còn suất quá tuổi như ở SEA Games 30./.