Chiến dịch Vòng loại World Cup 2018 với ĐT Việt Nam chuẩn bị được làm nóng với lễ bốc thăm chia bảng tổ chức ở Malaysia vào ngày 14 tháng 4 tới. Dù chưa biết đội tuyển của chúng ta sẽ nằm ở bảng đấu với những đối thủ nào nhưng ngay từ lúc này đã có thể khẳng định rằng Vòng loại World Cup 2018 sẽ là vòng loại Cúp thế giới mà ĐT Việt Nam phải thi đấu nhiều trận nhất trong lịch sử.

Nói vậy là bởi ở vòng loại lần này, ĐT Việt Nam sẽ được vào thẳng vòng loại thứ hai (đấu bảng) chứ không phải đá sơ loại (đá kiểu knock out) như ở những vòng loại gần đây. Mỗi bảng sẽ bao gồm năm đội, thi đấu theo thể thức lượt đi, lượt về và như vậy, thầy trò ông Miura sẽ có ít nhất 8 trận ở Vòng loại World Cup 2018 (con số này sẽ còn tăng nếu chúng ta tiến sâu). Nó khác hẳn với việc ĐT Việt Nam bị loại chỉ sau 1-2 trận hay cùng lắm là 4 trận như những vòng loại World Cup gần đây.

 

vn_phi_pnkc.jpgĐT Việt Nam sẽ thi đấu theo đúng lịch chuẩn của FIFA trong thời gian tới (Ảnh: Quang Trung)

Thật ra, trong lịch sử, ĐT Việt Nam cũng đã từng có dịp được đá đến 8 trận vòng loại World Cup, đó là ở kỳ World Cup 1994 khi chúng ta cùng bảng với Triều Tiên, Qatar, Singapore và Indonesia. Tuy vậy, đó là thời điểm AFC chưa áp dụng thể thức sân nhà, sân khách và các trận đấu chỉ được tổ chức gói gọn ở một, hai địa điểm nên thời gian thi đấu là không kéo dài.

Điều quan trọng nhất ở đây không phải là số trận đấu nhiều ở vòng loại World Cup 2018 mà là các trận đấu này sẽ được phân bổ đều trong năm theo lịch thi đấu quốc tế của FIFA. Cụ thể, 8 trận đấu của ĐTVN ở vòng loại thứ hai World Cup 2018 sẽ trải dài từ tháng 6/2015 đến tháng 3/2016.

Sau đó, dù ĐT Việt Nam có thi đấu như thế nào ở vòng loại thứ hai này thì đội tuyển của chúng ta vẫn sẽ phải có thêm những trận đấu theo lịch thi đấu quốc tế của FIFA trong những năm tiếp theo bởi vẫn còn đó các trận đấu tại vòng loại Asian Cup 2019.

ĐT Việt Nam sẽ có rất nhiều trận đấu chính thức trong vài năm tới (Ảnh: Quang Trung)

Trong những năm gần đây, ĐT Việt Nam thường chỉ tập trung dài hạn trước khi thi đấu AFF Cup (do thường bị loại sớm ở vòng loại Asian Cup và vòng loại World Cup), đi cùng với đó là những trận đấu giao hữu không theo lịch FIFA nên chất lượng của các đối thủ cũng không được đảm bảo.

Thông thường, mỗi khi nhắc đến lịch thi đấu quốc tế của FIFA, chúng ta thường nghĩ ngay đến các trận đấu vòng loại EURO, World Cup khu vực Châu Âu hay những trận đấu giao hữu quốc tế của những đội bóng hàng đầu thế giới nhưng giờ đây, lịch thi đấu đó sẽ có hiệu lực với cả ĐT Việt Nam.

Vì thế, rõ ràng VFF cần phải thay đổi cách tập trung và thi đấu của ĐT Việt Nam sao cho phù hợp với tình hình mới, ví dụ như sẽ phải có nhiều hơn những đợt tập trung ngắn hạn. Bên cạnh đó, điểm rơi phong độ của các cầu thủ cũng cần được điều chỉnh theo hướng tích cực hơn và thời gian diễn ra V-League cũng cần được thay đổi theo hướng hài hòa hơn (chỉ nên nghỉ cách đoạn khi ĐTQG tập trung đá các trận đấu chính thức).

Có như vậy, BĐ Việt Nam mới mong có thể cải thiện thành tích quốc tế. Nhất là khi số đội dự VCK Asian Cup đã tăng lên 24 (một nửa số thành viên của AFC)./.

** Lịch thi đấu quốc tế của FIFA quy định, các trận đấu quốc tế sẽ diễn ra trong những khung thời gian nhất định, bao gồm: cuối tháng Ba, đầu tháng Sáu, đầu tháng Chín, giữa tháng Mười và giữa tháng Mười Một. Các trận đấu diễn ra ngoài các khung thời gian này đều rất ít khi được tính là các trận đấu loại A của FIFA (ngoại trừ các VCK của các Cúp Châu lục do các LĐBĐ Châu lục tự sắp xếp thời gian tổ chức).