Từ trước tới nay, chưa một ai, bất kể nội hay ngoại, từ Riedl, Calisto cho tới những Goetz, Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc hay Miura… đưa danh dự của cá nhân mình ra để bảo đảm cho tương lai của đội tuyển như ông.
Với không ít người, đây là một thời điểm rất nhạy cảm cho bất kỳ một HLV nào đó lên nắm quyền ở đội tuyển Việt Nam. Quả thật, sau khi ông Miura ra đi, để lại một cơ ngơi còn dang dở, sẽ là một bài toán quá khó cho ai đến đây để làm lại từ đầu. Không phải ngẫu nhiên mà báo chí liên tục nói đến cụm từ “dũng cảm” khi HLV Hữu Thắng chấp nhận chèo lái con thuyền bóng đá Việt Nam. Thật ra, hợp đồng đã được VFF và nhà cầm quân này thống nhất từ trước Tết Nguyên đán. Ngày 3-3 vừa qua chỉ là ngày mà hai bên chính thức công bố. Nhưng cũng cần phải nói, trước đó là cả một khoảng thời gian HLV Hữu Thắng đau đầu cân nhắc trước khi đưa ra quyết định.
|
HLV trưởng đội tuyển quốc gia Hữu Thắng |
Trở thành HLV trưởng đội tuyển quốc gia là điều mà bất cứ tuyển thủ nào sau khi giải nghệ theo nghiệp HLV cũng mơ ước, nhưng trở thành HLV đội tuyển Việt Nam trong bối cảnh này, ngoài năng lực thực sự, đúng là còn phải cần là lòng dũng cảm nữa. HLV Hữu Thắng vốn nổi tiếng từ khi còn là một hậu vệ của SLNA và đội tuyển Việt Nam, là một người cứng rắn và quyết đoán. Ông tiếp tục mang ngọn lửa ấy theo mình khi chuyển sang nghiệp HLV. Còn bây giờ, trước mắt ông sẽ là một chương hoàn toàn mới trong nghiệp cầm quân, nơi mà ông đang đánh cược cả danh dự cá nhân mình vào đó.Ngay sau khi Hữu Thắng nhậm chức, cộng đồng mạng có truyền tay nhau một bức tâm thư của Hồng Việt, cầu thủ Hải Phòng vốn là học trò cũ của HLV Hữu Thắng tại SLNA. Từ khi còn là một cầu thủ trẻ, Hồng Việt thay vì tu rèn tài năng, đã vội sa ngã vào những lạc thú ở đời, tưởng như đã mãi mãi không thể trở lại. Nhưng Hữu Thắng, như một người cha, một người anh… đã chìa tay ra để Hồng Việt bám lấy, làm điểm tựa để làm lại cuộc đời. Trong thư có đoạn: “Nếu không có chú Hữu Thắng, không biết cuộc đời của tôi sẽ ra sao. Tôi sẽ không bao giờ quay lại với bóng đá được nếu không có sự giúp đỡ của chú. Lúc ấy, tôi thèm khát đi đá bóng, khát khao làm lại cuộc đời nhưng không biết đi đâu, về đâu thì chú Thắng lại giúp tôi, cưu mang tôi. Tôi còn nhớ như in câu nói của chú: “Chú chỉ cho Việt một cơ hội. Đừng làm gì phụ chú nhé”. Chú như người cha của tôi, tái sinh cuộc sống cho tôi và cho tôi sự nghiệp như hôm nay”.Hữu Thắng là như vậy. Cứng rắn, khắc nghiệt nhưng cũng đầy khoan dung và độ lượng. Ông từng lấy danh dự cá nhân của mình ra để bảo đảm cho một tài năng trẻ làm lại cuộc đời. Còn bây giờ, mọi thứ sẽ còn nặng nề hơn gấp bội, khi ông phải gánh vác đội tuyển là niềm hy vọng của hơn 90 triệu người dân Việt Nam. Sẽ là một trọng trách nặng nề, nhưng nó cũng có thể là quả ngọt nếu như nhà cầm quân sinh năm 1971 này vượt qua được mọi áp lực để đưa đội tuyển làm được những điều mà người hâm mộ mong đợi./.