Tính đến trận hòa 1-1 trước Trung Quốc, U19 Việt Nam đã đá tổng cộng 38 trận trong năm 2014. Trong đó có 18 trận thuộc các giải chính thức, gồm: giải bóng đá U19 Quốc tế, Cúp Hassanal Bolkiah 2014, giải U19 Đông Nam Á và VCK U19 Châu Á. Ngoài ra còn 20 trận đấu giao hữu trong nước và tập huấn nước ngoài.
Tính riêng trong 2 tháng vừa qua, U19 Việt Nam phải đá 14 trận. Có những giai đoạn, thầy trò Guillaume phải thường xuyên thi đấu với mật độ 2 ngày/trận như ở các giải U19 Đông Nam Á, Hassanal Bolkiah 2014 hay U19 châu Á. Việc thường xuyên phải ra sân với mật độ cao như vậy là gánh nặng đối với bất kì đội bóng nào, ngay cả đối với các cầu thủ thi đấu đỉnh cao ở châu Âu.
Nhìn lại các giải vô địch quốc gia lớn trên thế giới, cầu thủ thường xuyên đá với mật độ 1 tuần/trận. Khi phải tham dự nhiều đấu trường, các HLV thường xoay tua đội hình và mật độ 1 tuần/2 trận cũng đã được xem là “phá sức” cầu thủ. Nhìn lại bóng đá Việt Nam, ngay cả những ngôi sao có tên tuổi như Công Vinh, Minh Châu, Thành Lương… cũng chỉ thi đấu khoảng 30 trận một năm, tính cả đấu trường V-League và đội tuyển quốc gia.
Nhìn vào những thống kê và so sánh nói trên, có thể thấy U19 Việt Nam đang phải chịu áp lực thi đấu quá sức. Không chỉ bị bào mòn thể lực, nhiều cầu thủ U19 Việt Nam đã phải làm quen với phòng y tế khi dính những chấn thương dai dẳng. Điển hình như trường hợp của Hồng Duy phải tiêm thuốc giảm đau để vào sân thi đấu, Tuấn Anh ra sân với đầu gối bị bó hay Đông Triều tập tễnh đi trên sân tập tại giải U19 châu Á vừa qua…
Điều đáng nói là giải đấu nào, U19 Việt Nam cũng bị yêu cầu chơi đẹp, chơi hết sức. Có trận đấu HLV Guillaume muốn sử dụng đội hình dự bị để dưỡng sức trụ cột thì cũng bị “can thiệp”, yêu cầu phải đưa đội hình chính vào để phục vụ người hâm mộ.
Từ nay đến cuối năm, các trụ cột của U19 Việt Nam còn phải tham gia “chinh chiến” ở hai giải là U21 quốc tế tranh cúp báo Thanh Niên và giải sinh viên Đông Nam Á. Như vậy, các cầu thủ trẻ phải đá thêm khoảng 10 trận nữa.
Giải thích về mật độ thi đấu dày đặc của U19 Việt Nam, HLV Guillaume Graechen cho biết: “Tôi biết rằng các cầu thủ trẻ của chúng ta đang phải thi đấu trong môi trường khắc nghiệt nhất, các trận đấu dày đặc và khó khăn. Tuy nhiên, các cầu thủ U19 Việt Nam cần phải có những trải nghiệm nghiêm túc, vượt qua khó khăn thì mới mong thành công.”
Vẫn biết rèn luyện khắc nghiệt là điều cần thiết để phát triển khả năng cầu thủ, nhưng có lẽ đã đến lúc cần có cái nhìn khác về U19 Việt Nam. Các em vẫn còn ở độ tuổi ăn học, không thể biến thành những “cỗ máy thi đấu” để rồi phải kiệt sức trên sân cỏ./.