Cựu tuyển thủ U23 và đội tuyển quốc gia Việt Nam – Lê Quang Hùng đã trải lòng về những năm tháng đầy mất mát và những khắc khoải hy vọng trong Chương trình “Lời xin lỗi” số thứ 2 được phát trên VTV9.
Lê Quang Hùng từng được đánh giá là Philipp Lahm của Việt Nam bởi sự toàn diện có một không hai bên cánh trái |
Từng là tài năng trẻ sáng giá bậc nhất làng bóng đá Việt Nam. Vừa bước vào tuổi đổi mươi, anh đã là trụ cột của đội tuyển U23 Việt Nam tại Sea Game 27 và vinh dự được khoác áo đội tuyển quốc gia thi đấu với CLB Arsenal danh tiếng.
Đang lúc tưởng chừng anh sẽ có một sự nghiệp lẫy lừng trước mắt thì sự bồng bột của tuổi trẻ đã đóng sập tương lai của tuyển thủ tài năng này. Chỉ 1 lần gật đầu trước cái xấu đã nhanh chóng khép lại sự nghiệp thi đấu vừa chỉ mới bắt đầu.
"Ngày đó, tôi còn trẻ, suy nghĩ đơn giản nhưng một phần vì mình nhỏ tuổi, phải theo các anh lớn, không theo sẽ khó tồn tại ở đội. Đến khi nhận ra sai lầm thì đã quá muộn”, Quang Hùng chia sẻ |
Là 1 trong 9 cái tên “dính chàm” trong vụ án bán độ và dàn xếp tỷ số của CLB Ninh Bình tại AFC Cup 2014, Quang Hùng đã phải nhận bản án 24 tháng tù treo và lệnh treo giò vĩnh viễn sự nghiệp quần đùi áo số của mình.
Sau án phạt, để mưu sinh, có lúc Hùng phải về quê làm tăm hương với mức thù lao chừng 2-3 triệu đồng/tháng. Kinh tế gia đình bám vào mấy xào ruộng vốn khó khăn lại càng thêm khánh kiệt. Bệnh tình của bố Quang Hùng phần vì không có tiền thuốc thang, phần vì cú sốc quá lớn sau án phạt của con trai khiến ngày một trầm trọng.
Hơn 1 năm sau kể từ ngày thụ án, bố Quang Hùng đã qua đời sau một thời gian chống chọi với bệnh tật |
“Ông ra đi khi vẫn còn đau đáu mong ước được thấy tôi quay trở lại sân cỏ”, Hùng ngậm ngùi chia sẻ.
Sau khi bố mất, cuộc sống gia đình mỗi lúc một khó khăn hơn, Hùng đã quyết định rời quê lên Hà Nội kiếm sống bằng nghề sửa chữa thang máy.
Suốt thời gian đó, anh đã chịu đựng rất nhiều cay đắng, tủi nhục nhưng chưa một lần oán trách số phận vì theo anh, đấy là bài học để sống tốt hơn và dạy dỗ con cái trong những năm tháng sau này.
Thế nhưng, cũng từ trong cay đắng đó, anh lại tìm thấy nghị lực của cuộc sống từ người bạn đời của mình. Vợ anh đã đến với anh trong những ngày tháng khó khăn nhất, để động viên và cùng anh tạo dựng cuộc sống, nuôi dưỡng ước mơ một ngày nào đó được trở lại sân cỏ như mong ước cuối cùng của bố anh trước lúc ra đi.
3 năm sau ngày tuyên án, 2 năm sau ngày bố mất, Hùng vẫn khát khao được người hâm mộ và Liên đoàn bóng đá Việt Nam tha thứ, cho anh một cơ hội làm lại cuộc đời, quay lại với bóng đá chuyên nghiệp, vì đấy mới thực sự là cuộc sống của Hùng.
Những cay đắng mà Hùng đã chịu đựng suốt 3 năm qua, con đường mà anh đang đi, nỗ lực anh đang cố gắng không chỉ là lời xin lỗi tới người cha quá cố mà còn là lời xin lỗi gửi tới người hâm mộ cả nước, tới Liên đoàn bóng đá Việt Nam trong dịp tết cận kề.
Những tâm sự, nỗi lòng của cựu tuyển thủ U23 Việt Nam đã được chương trình “Lời xin lỗi” gửi tới khán giả cả nước. Chúng tôi tin rằng, một lời xin lỗi chân thành sẽ góp phần xóa bỏ những lỗi lầm đã qua để cùng nhau hướng tới một năm mới tốt đẹp hơn.
“Lời xin lỗi” là chương trình truyền hình thực tế, phát sóng vào lúc 20h từ thứ Hai đến thứ Năm hàng tuần trên kênh VTV9. Đạo diễn chương trình cho biết: “Sự kiện ông Trần Quí Thanh xin lỗi người tiêu dùng và kêu gọi mọi người tham gia gửi lời xin lỗi cho nhau là cảm hứng thúc đẩy chúng tôi tạo nên chương trình “Lời xin lỗi”. Góp phần lan tỏa những tiếng nói chân thành ra rộng khắp cộng đồng, cho mọi người có cơ hội xích lại gần nhau để có một năm mới ấp áp, một khởi đầu mới tốt đẹp hơn”.
Hiện không chỉ có chương trình “Lời xin lỗi” thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả trên kênh VTV9 mà trào lưu nói lời xin lỗi công khai tới gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp còn đang lan rộng khắp cộng đồng mạng với hàng ngàn lời xin lỗi được gửi đi mỗi ngày.
Sự kiện ông Trần Quí Thanh xin lỗi người tiêu dùng đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng mạng và hình thành nên một trào lưu mới trong văn hóa xin lỗi của người Việt. Nhiều học giả đã bày tỏ sự vui mừng về tín hiệu đầy tích cực này như GS.TS Khoa học Trần Ngọc Thêm hy vọng nó sẽ trở thành nét văn hóa ứng xử lâu dài./.