Sau 4 tháng ngắn ngủi ở Hàn Quốc thi đấu trong màu áo Incheon United, Công Phượng chính thức chia tay đội bóng này sau khi được sự đồng thuận từ các bên về việc chấm dứt hợp đồng.
Chuyến “du học” thứ hai của Công Phượng, tưởng chừng thành công hơn với việc tiền đạo gốc Nghệ An được ra sân, thậm chí từ đội hình xuất phát nhiều hơn nhưng chốt lại vẫn là kỷ niệm buồn và mang tới nhiều bài học cho CP10.
Công Phượng chia tay Incheon United sau 4 tháng ngắn ngủi "du học" ở Hàn Quốc. (Ảnh: Incheon United). |
Còn nhớ lần đầu tiên Công Phượng “xuất ngoại” để thi đấu cho Mito Hollyhock, một CLB giải J.League 2 Nhật Bản năm 2016, cầu thủ sinh năm 1995 được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội quảng bá hình ảnh bóng đá Việt Nam tới một trong những cường quốc của môn thể thao vua ở châu lục.
Và thật sự thương vụ Công Phượng sang đầu quân cho Mito theo dạng cho mượn từ HAGL với bản hợp đồng trị giá 100.000 USD đã rất thành công trên phương diện truyền thông.
Dấu ấn đáng kể Công Phượng để lại trong lần "du học" đầu tiên ở Nhật Bản là trong vai trò Đại sứ giao lưu. (Ảnh: Mito Hollyhock). |
Công Phượng làm rất tốt vai trò của mình trong vai trò Đại sứ giao lưu của Tỉnh Ibaraki và Việt Nam. Còn trên sân cỏ, với vỏn vẹn 5 lần được ra sân trong màu áo Mito Hollyhock (1 lần đá chính), không ghi được bàn thắng nào cùng tổng số thời gian ra sân chỉ là 80 phút, chưa bằng thời lượng một trận đấu chính thức, có thể thấy ngay cả Công Phượng cũng không thể hài lòng với chuyến “du học” đầu tiên của mình.
Không thể nói Công Phượng chưa chuẩn bị kỹ lưỡng cho lần “du học” thứ 2 ở Hàn Quốc, đặc biệt sau nhiều bài học quý giá ở Nhật Bản. Tuy nhiên, “hành trang” mà tiền đạo này chuẩn bị có vẻ như vẫn chưa đủ để có thể thích nghi với môi trường mới ở Incheon United, với quá nhiều rào cản đến từ ngôn ngữ, văn hoá ở xứ sở Kim chi.
Công Phượng và hai chuyến "du học" không như ý ở Nhật Bản và Hàn Quốc. (Ảnh: Incheon United). |
Không thể giao tiếp nhiều và đủ nhiều với các đồng đội hay BLĐ đội bóng ở Hàn Quốc do các cầu thủ Incheon United không nói tiếng Anh, còn Phượng lại không có người thông ngôn Việt – Hàn, việc cầu thủ 24 tuổi trở nên lạc lõng trong tập thể là điều khó tránh khỏi, dù đã được thi đấu nhiều hơn.
Với Incheon United, Công Phượng có 8 lần ra sân, trong đó 3 lần đá chính, cùng tổng thời gian thi đấu là 352 phút, gấp 4,4 lần thời lượng thi đấu ở Nhật Bản trong màu áo Mito Hollyhock trước đây. Tuy nhiên, dấu ấn Công Phượng để lại không nhiều, cũng không ghi được bàn thắng hay tung ra đường chuyền kiến tạo nào cho các đồng đội.
Công Phượng gặp nhiều khó khăn trong việc thích nghi ở Nhật Bản và Hàn Quốc. (Ảnh: Mito Hollyhock). |
Hẳn “bầu” Đức cùng BLĐ HAGL thấu hiểu những khó khăn trong cả 2 chuyến “du học” ở Nhật Bản và Hàn Quốc của Công Phượng, nhưng việc để tiền đạo này vội vàng chuẩn bị hành lý sang Pháp để thử việc ở 1 CLB hạng Hai, sau khi cùng ĐT Việt Nam tham dự King’s Cup 2019 ở Thái Lan, có vẻ tiềm ẩn nhiều rủi ro.’
Bởi đơn giản, những khó khăn đến từ bất đồng ngôn ngữ, văn hoá… trong việc hoà nhập ở trời Âu, một châu lục khác với nền văn hoá và con người hoàn toàn khác biệt, có vẻ như vẫn chưa được tính tới nhằm giảm thiểu những rủi ro cho Công Phượng ở lần “du học” thứ 3 trong sự nghiệp.
Clip Công Phượng ra sân lần đầu trong màu áo Incheon United
ở phút 90'+6 (Nguồn: Incheon United)
Vậy mới nói, “hành trang” tới Pháp của Công Phượng lần này, chỉ là lo âu, đặc biệt cùng những bài học rút ra nhưng chưa được giải quyết triệt để mà cầu thủ này tích cóp trong thời gian ở Nhật Bản và Hàn Quốc./.