Sự xuất hiện của Công Phượng cùng các đồng đội thuộc lứa đầu tiên của Học viện HAGL – Arsenal JMG lẽ ra là tín hiệu đáng mừng đối với bóng đá Việt Nam và HLV trưởng ĐTQG như ông Miura. Những màn trình diễn “siêu đẳng” và đẹp mắt với lối chơi cống hiến của “những cậu bé của bầu Đức” từng tạo nên “cơn sốt” với người hâm mộ, phần nào giúp những người làm bóng đá nước nhà tự tin hơn với con đường dài hơi, đào tạo trẻ.

Sự xuất sắc của Công Phượng và Tuấn Anh cùng các đồng đội trong màu áo U19 Việt Nam tưởng chừng sẽ mang “trái ngọt” cho ông Đức sau những đầu tư mạnh mẽ vào lứa này cũng như mang tới cho HLV Miura một cơn đau đầu “dễ chịu” khi lựa chọn danh sách bởi có thêm nhiều gương mặt xuất sắc để triệu tập lên tuyển.

11029982_674889135967488_4817678813163676646_n_exoh_kqho.jpg
Công Phượng chói sáng ngày đầu ra mắt trong màu áo ĐT U19 Việt Nam. (Ảnh: Nhung Trần).

Thế nhưng chỉ sau một mùa giải tham dự V-League, mọi việc tan vỡ như bong bóng xà phòng và sự kỳ vọng lớn lao ấy trở thành nỗi thất vọng ê trề với cả bầu Đức và người hâm mộ. Ông Đoàn Nguyên Đức buồn nhưng chẳng thể đổ lỗi cho “lũ nhỏ” cùng đứa con tinh thần của mình là Học viện bóng đá HAGL – Arsenal JMG và chỉ còn cách “đá thúng, đụng nia”.

Trong giai đoạn nửa cuối của mùa giải, vị Phó Chủ tịch VFF gay gắt phản ứng trước báo giới vì cho rằng HAGL bị các đội bóng khác ở V-League “đánh hội đồng” cho rớt hạng. Sau màn “trụ hạng” thần kỳ và cũng không ít điều tiếng ở những vòng đấu cuối, bầu Đức lại hướng mũi công kích sang HLV Miura với hàm ý việc không triệu tập và trao cơ hội cho những “cậu bé tài năng” của ông.

Công Phượng sa sút sau một năm tham dự V-League 2015 cùng HAGL. (Ảnh: Trọng Phú).

Từ khi bóng đá Việt Nam đi vào con đường chuyên nghiệp (2001), cũng như ngày ông Đức gia nhập với đội bóng phố Núi một năm sau đó, HAGL đã trở thành thế lực của V-League với 2 chức vô địch (2003, 2004) cùng hai danh hiệu Siêu Cúp QG (2004, 2005). Đây là lý do mà ông Đức luôn có tiếng nói đầy trọng lượng cũng như là một trong những người làm bóng đá đầy tâm huyết.

Chính vì vậy, dù không hài lòng với những phản bác của ông bầu phố Núi về công tác chuyên môn của mình ở ĐTQG, HLV Miura vẫn giữ im lặng với lý do “không biết tiếng Việt nên không hay đọc báo ở Việt Nam”. Thậm chí, chiến lược gia người Nhật Bản còn cố gắng giữ hòa khí với bầu Đức với việc khi thì triệu tập chính thức hay gần đây nhất là gọi bổ sung Công Phượng lên tuyển.

Tỏa sáng ở các giải đấu trẻ nhưng ĐTQG vẫn là quá tầm với Công Phượng ở thời điểm này? (Ảnh: Nhung Trần).

Bất chấp việc ông Đức luôn phản bác cho rằng việc không ủng hộ HLV Miura tại vị bởi lý do nhà cầm quân 52 tuổi không trao cơ hội lên tuyển cho “những cậu bé” của ông, ai cũng thấy việc triệu tập Công Phượng hay Tuấn Anh… từ lâu đã trở thành áp lực “ngàn cân” đối với ông thầy người Nhật.

Từ vị thế ngôi sao đầy hứa hẹn của bóng đá nước nhà, Công Phượng hay Tuấn Anh bỗng chốc trở thành gánh nặng đối với HLV Miura thay vì những quân bài chiến lược có thể sử dụng ngay hay để dành tùy thời điểm thích hợp. Ngay cả ở trong hai trận vòng loại World Cup 2018 gặp Iraq và Thái Lan mới đây, Công Phượng đều được tung vào sân dù không để lại nhiều ấn tượng.

Tiền đạo xứ Nghệ là người để mất bóng ở những phút bù giờ cuối cùng dẫn tới pha phản công của ĐT Iraq cùng quả phạt đền và ĐTVN buộc phải chia điểm ở Mỹ Đình đầy tiếc nuối. Trong khi đó, Công Phượng cũng không có một giây phút lóe sáng nào trong thất bại nặng nề của ĐTQG trước Thái Lan ngay trên sân nhà sau khi vào sân ở đầu hiệp 2.

HLV Miura và bài toán áp lực từ "thương hiệu" Công Phượng của bầu Đức. (Ảnh: Nhung Trần).

Vào ngày 1/12 tới, HLV Miura sẽ cùng 40 cầu thủ hội quân ở Hà Nội để chuẩn bị cho VCK giải U23 châu Á diễn ra ở Qatar sang năm. Như thường lệ, việc Công Phượng có tên hay bị loại sau khi chuyển sang Nhật thi đấu trở thành đề tài “nóng hổi” từ giới chuyên môn cho tới người hâm mộ.

Ở vòng loại, phong độ chói sáng của Công Phượng cùng các đồng đội đã giúp Olympic Việt Nam giành tấm vé lịch sử tiến vào vòng chung kết giải đấu trẻ châu lục. Giờ tất cả chờ vào quyết định của HLV Miura, xem chân sút sinh năm 1995 thật sự là “át chủ bài” hay áp lực “ngàn cân” với ông thầy Nhật Bản?./.