Với power-play, thủ môn sẽ dâng cao như một cầu thủ tấn công. Thường là các đội sẽ thay thủ môn chính bằng một cầu thủ mặc áo thủ môn để dâng cao, qua hẳn phần sân đối phương thành một mũi tấn công.
Trong môn Futsal, chiến thuật power-play được khá nhiều đội sử dụng khi cấp bách và nếu vận dụng tốt có thể chuyển bại thành thắng, tạo nên sự hấp dẫn của môn Futsal, tạo sự hứng khởi và phấn khích cho khán giả. Tại Giải Futsal vô địch quốc gia - HDBank 2017, chiến thuật này cũng khiến các trận đấu trở nên sôi động, hấp dẫn.
HLV Phạm Minh Giang - Tân Hiệp Hưng chỉ đạo các học trò chơi power-play. (Ảnh: Hà Khánh) |
Ngày 17/2/2016, Đội tuyển Futsal Việt Nam gặp Nhật Bản tại tứ kết Giải Futsal vô địch châu Á. Đây là đối thủ có trình độ hơn hẳn Việt Nam, nhưng các cầu thủ futsal của chúng ta đã thi đấu kiên cường. Khi trận đấu còn 2 phút, Việt Nam vẫn đang thua 2 – 3 và HLV Bruno Formoso quyết định chơi power-play.
Thủ môn chính Văn Huy được thay ra và đội trưởng Bảo Quân mặc áo thủ môn để dâng cao chơi tấn công. Tuyển Việt Nam đã thành công với chiến thuật dồn ép này khi Văn Vũ ghi bàn gỡ 3 – 3 ở thời gian thi đấu chính thức. Phần còn lại đã đi vào lịch sử khi chúng ta vượt qua Nhật Bản ở loạt luân lưu, đoạt vé chính thức tới World Cup. Nhắc lại khoảnh khắc ấy để minh chứng rằng chiến thuật power-play từng giúp Futsal Việt Nam chuyển bại thành thắng và tạo ra những khoảnh khắc đáng nhớ.
Quay trở lại với Giải futsal vô địch quốc gia HDBank 2017, nhìn chung tất cả các đội tham dự đều sử dụng chiến thuật này khi cần thiết, thường là những phút cuối trận khi đội đang thua. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công của chiến thuật này là không cao.
Tiêu biểu như Hải Phương Nam đá power-play khi đang thua 1 – 3 Sanatech Khánh Hòa và thua thêm một bàn nữa từ pha mất bóng tạo điều kiện cho đối phương đá vào lưới trống. Thái Sơn Bắc thua đậm 3 – 6 trước Thái Sơn Nam khi chơi power – play, rồi Sanna Khánh Hòa thắng đậm 6 – 2 trước Cao Bằng, trong đó thủ môn Ý Hòa có pha ghi bàn từ cú phát bóng chuẩn xác…
U19 Việt Nam - U19 HAGL: Lên ngôi vô địch sớm?
Chỉ có duy nhất một trường hợp rất đáng nhớ là việc Tân Hiệp Hưng dùng power-play và thành công mỹ mãn khi thắng ngược 3 – 2 sau khi ghi 2 bàn liên tiếp ở những phút cuối trận từ chiến thuật này.
Trợ lý Nguyễn Hồng Tài của Tân Hiệp Hưng cho biết, đội đã tập lối chơi power-play rất nhiều và nghiên cứu kỹ lối chơi thủ power-play của đối phương cùng một chút may mắn để giành chiến thắng.
Ông Nguyễn Hồng Tài cho biết: “Lối chơi power-play chỉ dùng khi đội vào tình huống cấp bách quá mới sử dụng. Do nhận định đối thủ Hải Phương Nam thủ power-play rất thấp nên mình thấy có cơ hội ghi bàn và áp dụng chiến thuật này để có 3 điểm”.
Trong trận Sanna Khánh Hòa thắng đậm Cao Bằng 6 – 2, có 2 bàn ghi được khi Cao Bằng đá power-play. Nhưng thú vị là vào cuối trận, chính Sanna Khánh Hòa khi đó đang thắng lại chơi power-play. Theo lí giải của ban huấn luyện đội, đây là cách để kìm hãm đà hưng phấn, chủ động cầm bóng để giảm nhiệt trận đấu. Như vậy có thể thấy power-play được sử dụng khá linh hoạt, không nhất thiết là cứ thua mới chơi chiến thuật này mà khi cần giữ bóng.
Tân Hiệp Hưng (áo trắng) chiến thắng nhờ lối chơi power play. |
Theo huấn luyện viên Hector Vasquez, người đã có nhiều năm làm việc tại Việt Nam và đang là trưởng đoàn của Cao Bằng tại Giải futsal vô địch quốc gia HDBank 2017, việc các đội thất bại khi chơi power-play là vì trình độ các cầu thủ không đủ.
Nếu ở Tây Ban Nha hay các nước Nam Mỹ thì các cầu thủ có trình độ cao, chuyền tốt, sút tốt và đọc được hàng phòng ngự của đối phương, nên dễ dàng ghi bàn từ power-play. Tuy nhiên, ở Việt Nam kĩ năng của các cầu thủ còn thấp nên thường xuyên thất bại khi sử dụng chiến thuật này.
Nét hấp dẫn của chiến thuật power-play là sự sôi động nó mang lại cho khán giả theo dõi. Cứ mỗi khi có một đội sử dụng chiến thuật này, nhà thi đấu lại sôi động, huấn luyện viên đứng sát đường picth, chỉ đạo liên tục các cầu thủ thực hiện. Đội tấn công liên tục luân chuyển bóng từ trái qua phải, phải qua trái, lên xuống và tìm sơ hở trong phòng ngự của đối phương để tung ra đường chuyền quyết định hoặc dứt điểm.
Đội phòng ngự lùi sâu về sát vòng cấm thành một khối, di chuyển linh hoạt để bịt kín các lối vào khung thành. Khi đội tấn công thất bại trong một pha bóng, cầu thủ khoác áo thủ môn sẽ nhanh chóng chạy ra sân để thay thủ môn “xịn” vào trong khi đội phòng ngự thì cũng nhanh chóng đưa bóng vào cuộc để phản công.
Khán giả như nín thở theo dõi từng pha bóng và cùng vỡ òa cảm xúc, vỗ tay cổ vũ khi đội tấn công thành công hoặc ồ lên khi đội thất bại. Tất cả tạo nên những cung bậc cảm xúc mãnh liệt và có cảm giác kịch tính của trận đấu được đẩy lên đỉnh điểm. Và đó là những khoảnh khắc khó quên mà chiến thuật power-play mang lại, đó cũng là điểm thú vị rất riêng biệt của môn futsal./.