vov_cdv_hai_phong_sida.jpg
Pháo sáng "nuốt chửng" sân Hàng Đẫy. (Ảnh: Minh Hoàng)

Sẽ thật thiếu sót nếu chỉ nhắc đến việc CĐV Hải Phòng đã “đốt cháy” sân Hàng Đẫy bằng pháo sáng, dù đây có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử, khán giả Việt Nam được chứng kiến cảnh khói pháo mù mịt khắp mặt sân chứ không chỉ loanh quanh trên khán đài.

Bởi trước khi đại náo sân Hàng Đẫy, các CĐV Hải Phòng đã tái hiện cảnh đoàn xe cuồng nộ trong phim “Mad Max: Fury Road” trên đường phố Hà Nội. Đám đông ngang ngửa quân số 1-2 tiểu đoàn, vừa đi vừa đốt pháo sáng, thỉnh thoảng dừng lại quậy phá ở một vài địa điểm của Thủ đô.

Trên mạng xã hội, những lời kêu gọi về một “Ngày hội pháo sáng” ở Hà Nội đã lan truyền khắp các page, group của CĐV Hải Phòng từ cách đây nửa tháng. Thông tin về kế hoạch được cập nhật liên tục, với sức nóng tăng lên từng ngày.

Những quả pháo sáng được đốt liên tục ở sân Hàng Đẫy chỉ là phần cuối trong một kế hoạch nhằm “thể hiện cá tính, sống thật với cảm xúc” của CĐV Hải Phòng. Một kế hoạch xuyên suốt, được sắp đặt và thực hiện bởi các CĐV với nhau, làm nên một đám đông khó kiểm soát.

CĐV Hải Phòng tạo ra cảnh tượng như trong phim Mad Max: Fury Road trên đường phố Hà Nội. (Ảnh: Getty, Sport5)

Thực tế, BTC V-League nói chung và BTC sân Hàng Đẫy cũng như các sân khác trên cả nước nói riêng đã không thể kiểm soát đám đông CĐV Hải Phòng trong nhiều năm qua. Và năm nay, CĐV Hải Phòng đẩy sự nóng bỏng lên một mức mới, rất gần ngưỡng không thể chấp nhận nổi.

Vậy sẽ ra sao nếu mọi chuyện đi quá giới hạn? Câu trả lời thực ra đã có từ 10 năm trước khi cảnh sát cơ động ra tay trấn áp CĐV quá khích của Hải Phòng, từ khán đài cho đến nhưng con phố xung quanh sân Hàng Đẫy.

10 năm qua, bóng đá Hải Phòng đã nếm trải nhiều thăng trầm, có lúc xuống hạng rồi mua lại suất của Khánh Hòa, có lúc đổi màu áo, chỉ có thêm 1 danh hiệu Cúp Quốc gia 2014 để thêm vào phòng truyền thống, không có cầu thủ nào vươn lên trở thành biểu tượng đất Cảng trên sân cỏ và rất nhiều án phạt liên quan đến pháo sáng.  

Xuyên suốt 10 năm ấy, bóng đá Hải Phòng cũng đau đầu với khá nhiều vấn đề nội bộ, như việc Errol Stevens đâm đơn kiện đội bóng lên FIFA, vụ lùm xùm giữa trợ lý Lê Sỹ Mạnh với thủ môn Đặng Văn Lâm hay mâu thuẫn giữa chính các CĐV với ban lãnh đạo đội bóng.  

Nào ai muốn cảnh tượng này lặp lại? (Ảnh: VNExpress)

Cho đến bây giờ, bóng đá Hải Phòng chưa có một trang mạng xã hội nào có dấu tích xanh “chính chủ”. Còn hội CĐV Hải Phòng vẫn chưa chính thức được công nhận, hoạt động mang tính tự phát mà không có định hướng từ chính đội chủ sân Lạch Tray.

Thiếu định hướng, một bộ phận CĐV Hải Phòng lại cho rằng pháo sáng và những trò quậy phá mới là biểu tượng cho sự hào sảng của đất Cảng, chứ không phải việc đội bóng đã dang tay trao cơ hội cho Đặng Văn Lâm ra sao, HLV thủ môn Nguyên Đức Cảnh đã xốc vác như thế nào khi góp mặt trong BHL ĐT Việt Nam hay thủ môn Nguyễn Văn Toản đã có sự trở lại ngoạn mục sau 1 năm xa rời bóng đá.

Clip pháo sáng "oanh tạc" sân Hàng Đẫy chiều 21/4

Trong bối cảnh bóng đá Việt Nam đang cố gắng chuyên nghiệp hóa từng ngày, việc tồn tại những hoạt động tự phát là điều khó chấp nhận, dù với lý do gì đi chăng nữa.

Còn nếu nhìn nhận dưới góc độ V-League đang thiếu sức hút và cần CĐV ư? Liệu những người dân không mấy quan tâm đến giải bóng đá quốc nội có thể đưa ra cái nhìn thiện cảm với một đám đông hàng nghìn người sẵn sàng trở nên quá khích, đổ về thành phố của mình trong một hoạt động mang tính tự phát?./.