1. Ngày nhỏ, tôi từng nghe những anh lớn đi xem bóng đá ở một sân nọ về kể, các anh mang súng chạc (súng cao su buộc vào chạc gỗ hình chữ y) vào sân, mỗi khi nổi giận là “bắn tỉa”. Mục tiêu có thể là cầu thủ đối phương, có thể là trọng tài.

Rồi các anh cũng kể, có dạo thường đổ mắm tôm vào túi ni lông, giấu mang vào sân để trực chờ khi tức giận, khi không vừa ý với một tình huống nào đó trên sân là ném. Mục tiêu lại là trọng tài, là cầu thủ đối phương, là bất cứ ai khiến họ không vừa lòng. Hết mắm tôm, nghe đâu có người còn tuồn… nước tiểu.

daucho_sanlachtray_0812_fqnk.jpg
Đầu chó được ném xuống sân Hàng Đẫy năm 2009 (Ảnh: Quang Minh)  

Toàn chuyện rùng mình, nghe đến kinh. Và là chuyện bán tín bán nghi của những năm 1990 đi xem giải vô địch quốc gia.

Sau này lớn lên, đi xem V-League, thì tận thấy có CĐV Hà Nội ACB ném đầu chó xuống sân ở Hàng Đẫy năm 2009 để bêu riếu đối thủ. Rồi cũng tận thấy ở Hàng Đẫy có CĐV Hải Phòng rải tiền âm phủ phản đối Hòa Phát Hà Nội tăng giá vé năm 2010.

Năm 2012, tôi còn tận thấy một số CĐV Hải Phòng mang… quan tài phủ cờ đội bóng vào sân Lạch Tray. Nó xuất hiện được một lúc thì bị tịch thu. Nó xuất hiện trong bối cảnh niềm tin dành cho đội bóng của không ít CĐV đất Cảng đã cạn kiệt. Hải Phòng năm đó xuống hạng.

Nói thế để thấy rằng, ở ta còn tồn tại nhiều lắm cách cổ vũ bóng đá kiểu làm… bẩn nhau.

2. Không ít cầu thủ, trọng tài và cả các phóng viên vẫn khẳng định, đá đâu, làm đâu không “lạnh gáy” bằng vào Lạch Tray. CĐV Hải Phòng rất nhiệt và một số CĐV cũng luôn sẵn sàng xả nhiệt xuống sân.

Tôi từng lãnh trọn một quả xoài vào đầu, bạn tôi từng lãnh một cái dép, một anh khác thì 'ăn' một bịch ni lông nước vào máy tính. Thế nên anh em vẫn đùa nhau, vào Lạch Tray nhớ mang mũ bảo hiểm.

Một số CĐV Hải Phòng thường đốt pháo sáng. Đốt thành… đặc sản. Đến nỗi chủ tịch Hội CĐV Hải Phòng Trần Văn Hoàn còn có biệt danh là “Hoàn pháo”. Đến giờ, nếu thống kê số tiền sân Lạch Tray phải nộp phạt vì đốt pháo sáng, có lẽ đủ để làm được những chuyện lớn.

CĐV Hải Phòng ném pháo sáng xuống sân ở vòng 1 V-League năm nay (Ảnh: Quang Minh)
Một số CĐV Hải Phòng còn rất hay “chơi chữ”. Băng rôn khẩu hiệu mà họ mang vào sân luôn hàm chứa nhiều ý nghĩa. Có khi tích cực, có khi tiêu cực. Có lần họ trích lời một quan chức bóng đá, rằng: “Đi xem bóng đá có nhất thiết phải đông thế không?”.  Rồi mới hôm qua thôi, trong trận đấu với Hà Nội ở vòng 6 V-League, một số CĐV Hải Phòng căng khẩu hiệu: “Xin hãy! Trả lại sự “tôn trọng” cho người hâm mộ”.

Và không ít CĐV Hải Phòng còn rất hay chửi nữa! Chửi đồng thanh. Mà đã chửi thì chẳng bao giờ dễ nghe cả.

CĐV Hải Phòng có tôn trọng chính mình trước khi đòi người khác phải tôn trọng mình? (Ảnh: Quang Minh)
Cũng hôm qua, hàng triệu người xem truyền hình đã được nghe thấu những lời lẽ tục tĩu của không ít CĐV Hải Phòng hướng về phía trọng tài Nguyễn Hiền Triết khi ông này thổi phạt 11m cho Hà Nội. Hết chửi ông Triết, họ quay sang chửi CLB Hà Nội.

3. CĐV đồng thanh chửi bậy ở V-League là chuyện xưa như trái đất và không phải chuyện riêng ở Lạch Tray. Có điều lâu nay, những nhà quản lý, tổ chức thường xem nhẹ, bỏ qua nên chửi chán thì… mỏi mồm.

Cầu thủ, trọng tài hay người đi xem bóng đá đã vào sân đều phải tôn trọng nhau. Một đòi hỏi chính đáng như CĐV Hải Phòng căng khẩu hiệu.

Clip: Cổ động viên Hải Phòng chửi vang sân Lạch Tray

Pape Omar Faye của Thanh Hóa mới đây có hành vi tục tĩu hướng về phía CĐV trên sân Nha Trang đã phải trả giá bằng án treo giò 8 trận (sau giảm thành 6 trận). Ở chiều ngược lại, khi CĐV có hành vi tục tĩu hướng vào cầu thủ, trọng tài, họ cũng phải bị phạt. Kể cả họ là một đám đông khó xác định.

Clip: Cổ động viên Hải Phòng chửi bới bên ngoài phòng họp báo