Chiều qua (12/9), VFF tổ chức họp báo, công bố kế hoạch bán vé các trận đấu sân nhà Vòng loại World Cup 2022 thông qua ứng dụng VinID. Đây là lần đầu tiên, VFF triển khai hình thức bán vé qua ứng dụng trên điện thoại. VFF cũng sẽ thử nghiệm hình thức “check-in” bằng Mã vé tại cửa 5, tầng II, khán đài B sân Mỹ Đình và việc kiểm soát vé sẽ được thực hiện qua ứng dụng.
Trong gần 1 năm qua, VFF đã liên tục cải tiến các hình thức bán vé, phân phối vé cho các trận đấu của ĐT Việt Nam sau khi đoạn tuyệt với hình thức xếp hàng mua vé truyền thống để chuyển qua bán vé online, giao vé tận nơi.
Những rắc rối trong khâu bán vé trận ĐT Việt Nam – ĐT Malaysia ở vòng bảng AFF Cup hồi tháng 11 năm ngoái, hóa ra là phút “hồi quang phản chiếu” của việc xếp hàng mua vé trước khi hình thức này bị khai tử ở bán kết AFF Cup.
Đêm 10/11, rạng sáng 11/11 năm ngoái là lần cuối cùng, người hâm mộ phải bất chấp mưa gió rét mướt, ngủ ngoài đường để chờ xếp hàng mua vé xem ĐT Việt Nam thi đấu. Đêm hôm ấy, giới truyền thông đã ghi được cảnh côn đồ đe dọa, chiếm chỗ xếp hàng mua vé.
Suốt mười mấy năm trước đó, biết bao sự việc phản cảm đã được tạo ra từ những dòng người khổ sở xếp hàng mua vé trước sân Mỹ Đình. Năm 2014, hàng rào trụ sở VFF đã bị đạp đổ trong cơn sốt vé U19 Việt Nam.
Hình thức xếp hàng mua vé trong những cơn sốt bóng đá đã bị xã hội đào thải. (Ảnh: Vy Vũ) |
Nhưng vẫn phải đợi 4 năm sau khi VFF xây lại hàng rào, việc xếp hàng mua vé xem bóng đá mới bị đào thải. VFF đã phải triển khai những cách bán vé mới, khi xã hội không còn chấp nhận hình thức xếp hàng như thời bao cấp trong thời “cách mạng 4.0”.
Trước giờ họp báo chiều qua, các phóng viên cho nhau xem hình ảnh cận cảnh vết thương trên đùi nữ CĐV bị pháo sáng bắn trúng ở sân Hàng Đẫy. Ai cũng ghê rợn vì hậu quả mà pháo sáng để lại trên xương thịt con người.
Quả pháo sáng được bắn ngang sân Hàng Đẫy tối 11/9 có phải là giới hạn cuối cùng mà bóng đá và xã hội Việt Nam có thể chịu đựng trước vấn nạn pháo sáng?
Hay vết thương khủng khiếp trên đùi nữ CĐV kém may hôm nọ chỉ là một cột mốc kinh hoàng trên hành trình đào thải pháo sáng khỏi đời sống bóng đá Việt Nam, giống như hàng rào đổ nát nơi trụ sở VFF cách đây 4 năm trong quy luật vận động của các phương thức bán vé?./.
Án phạt sau sự cố pháo sáng ở trận đá bù vòng 22 V-League 2019 từ Ban kỷ luật VFF
Theo đó, Hà Nội FC bị phạt kịch khung 70 triệu đồng vì để cổ động viên đốt pháo sáng và 15 triệu đồng vì để cổ đông viên ném đồ vật và chửi bới.
Hà Nội FC cũng phải chịu thi đấu 2 trận trên sân nhà không có khán giả ở các cuộc tiếp đón Viettel (vòng 23 V-League) vào ngày 15/9 và Quảng Nam (vòng 25 V-League) vào ngày 6/10.
Ban kỷ luật VFF cũng ra án phạt 85 triệu đồng với CLB Nam Định, trong đó 70 triệu đồng dành cho các cổ động viên có hành vi đốt pháo sáng, 15 triệu đồng dành cho việc cổ động viên có hành lời lẽ thô tục trên sân.
CĐV Nam Định sẽ không được đến sân khách cổ vũ ở trận gặp Khánh Hòa ngày 21/9 (vòng 24 V-League) và Sài Gòn FC ngày 19/10 (vòng 26 V-League).
Những người làm bóng đá Việt Nam nói gì?
Tổng thư ký VFF - Lê Hoài Anh: “Việc đốt pháo sáng tại V-League không phải lần đầu xảy ra, nhưng trong trận Hà Nội FC và Nam Định, lượng pháo sáng vào sân là khá nhiều và có hành vi nguy hiểm gây thương tích cho CĐV. Việc một số CĐV quá khích gây ảnh hưởng an ninh, an toàn chắc chắn các cơ quan có thẩm quyền sẽ có hướng điều tra và xử lý nghiêm minh”.
Chủ tịch CT Thể thao T&T, Trưởng BTC sân Hàng Đẫy - Nguyễn Quốc Hội: “Tôi không muốn đề cập lý do vì sao những kẻ quá khích lựa chọn sân Hàng Đẫy để làm loạn. Tôi muốn nói thẳng ở đây một điều rằng, đóng cửa sân thì dễ nhưng mở cửa phục vụ những người hâm mộ chân chính mới khó. Và chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa để đảm bảo an ninh, an toàn cho những CĐV chân chính tới sân. Nhân đây tôi cũng bày tỏ mong muốn của Hà Nội FC được chung tay để loại bỏ hoàn toàn vấn nạn pháo sáng, việc này cần sự chung tay của tất cả chứ không phải đùn đẩy, thoái thác trách nhiệm hay một, hai CLB là có thể làm được”.