Thực tế cho thấy Chelsea đang bế tắc bởi những giải pháp giải quyết khủng hoảng của họ ở thời điểm này lại không hề khả thi. Đơn giản, “phép lạ” có thể giúp HLV Mourinho tìm lại cân bằng cho bản thân và đội bóng lúc này, chỉ là một kỳ nghỉ phép.

Ít nhất, Người đặc biệt cần một vài tháng tạm xa công việc, nghỉ ngơi cùng gia đình, thoải mái đi tắm biển đầy nắng gió. Nếu Chelsea là một công ty hay thương hiệu dịch vụ nào đó, chiến lược gia người Bồ đã có thể dễ dàng toại nguyện. Thế nhưng, điều này là không thể, bởi đây là bóng đá.

mourinho1_fxxm.jpg
Mọi thứ ở Chelsea đang vượt tầm kiểm soát của HLV Mourinho. (Ảnh: Reuters).

Không cần phải bàn cãi nhiều, Jose Mourinho là một trong những HLV tốt nhất thế giới trong hai thập niên trở lại đây. Ở mùa giải năm ngoái, Mou liên tục “va chạm” cùng FA, “khẩu chiến” cùng một nửa số trọng tài ở giải Ngoại hạng cũng như “chiến tranh lạnh” với người đồng nghiệp Arsene Wenger ở Arsenal và đa số bình luận viên bóng đá của kênh truyền hình Sky Sports, nhưng Chelsea vẫn có cú đúp khi đăng quang Premier League và Capital One Cup.

Mọi người đã quá quen với mệnh đề “mọi chuyện tồi tệ nhất cũng sẽ ổn dưới bàn tay của Mourinho”. Trong mùa giải mà chính Người đặc biệt thừa nhận là đen tối nhất trong sự nghiệp cầm quân của mình ở Real, đội bóng này vẫn giành Siêu cúp TBN, Á quân La Liga, tiến tới bán kết Champions League cũng như chung kết Cúp Nhà vua.

Vẻ cay đắng và bất lực của Người đặc biệt. (Ảnh: Dailymail).

Thế nhưng mùa giải năm nay hoàn toàn khác biệt. Có thể nói ngắn gọn rằng những gì đang diễn ra với Chelsea lúc này, chưa-từng-xảy-ra trong sự nghiệp của nhà cầm quân 52 tuổi. Là đội ĐKVĐ nhưng The Blues xếp thứ 15 trên BXH sau 10 vòng đầu tiên, mới bị loại khỏi Capital One Cup và các cầu thủ như thể đều đang “làm mình, làm mẩy” cũng như chống đối lại Jose Mourinho.

Tất nhiên, chiến lược gia người Bồ cũng không hề ổn, trông ông già hơn, “bạc phếch” cùng vẻ mặt đầy bất lực và gằn từng từ đầy khó khăn trong mỗi buổi họp báo sau trận đấu. Phản ứng gay gắt với trọng tài Jon Moss trước khi bị “đuổi” lên khán đài trong trận gặp West Ham chỉ là cách để Mourinho thể hiện sự giận dữ và bất lực của mình trước tình hình hiện tại, khi mọi thứ cứ tuột dần khỏi tầm kiểm soát của ông.

Ngày Mourinho nói lời chia tay Chelsea lần thứ 2 trong sự nghiệp, không còn xa ? (Ảnh: Getty).

Bóng đá là vậy, vinh quang luôn đi cùng nghiệt ngã. Mourinho giống một ông chủ hơn là người đi làm thuê, bởi mức lương ngất ngưởng tới 7 triệu Bảng/năm cùng khả năng quyết định việc CLB duyệt chi hàng trăm triệu Bảng để mua sắm cầu thủ, nhưng chẳng thể có một kỳ nghỉ phép đúng nghĩa để “xả stress” trong suốt thời gian diễn ra mùa giải.

Nghiệt ngã hơn, Chủ tịch Roman Abramovich chắc chắn sẽ không sa thải cố vấn riêng Marina Granovskaia nếu vị Giám đốc điều hành CLB Chelsea không thể ký kết hợp đồng thành công với 1, 2 cầu thủ cũng như một kỳ chuyển nhượng thất bại.

Bóng đá thì khác và chỉ cần gây thất vọng như chuỗi phong độ nghèo nàn vừa qua của The Blues, Jose Mourinho đã được “xướng tên” như một trong những lý do khiến đội nhà sa sút và đang tiến sát tới “đoạn đầu đài”. Vậy, bóng đá là bạn hay thù của Mourinho?