Khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần bóng đá, đội bóng xứ Thanh nhận được sự ủng hộ, chia sẻ về tài chính của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Điều này giúp cho Thanh Hóa “sống khỏe” qua nhiều mùa giải nhất là trong hoàn cảnh nhiều đội bóng lao đao, thậm chí giải thể do các ông “bầu” khó khăn trong kinh doanh. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Vương Văn Việt – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về vấn đề này. 

PV:Thưa ông, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn chung, nhưng thể thao Thanh Hóa nói chung và bóng đá Thanh Hóa nói riêng vẫn giữ được sự ổn định về mặt tài chính. Vậy UBND tỉnh Thanh Hóa có kinh nghiệm như như thế nào để điều chỉnh vấn đề này? 

Ông Vương Văn Việt:Thanh Hóa nhận thức được việc phát triển thể dục thể thao nói chung, trong đó có môn được nhiều người quan tâm là bóng đá. Ở bất cứ thời kỳ nào, lãnh đạo của tỉnh cũng phải chăm lo đến vấn đề phát triển quy hoạch. Quy hoạch từng lĩnh vực thể thao một và quy hoạch từng bộ môn. Chẳng hạn ở sân chơi bóng đá người ta đòi hỏi phải xã hội hóa rất cao.
viet.jpgÔng Vương Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa
Nhưng xã hội hóa phải căn cứ vào tình hình của mỗi địa phương. Không phải xã hội hóa ở đây là anh cứ giao cho doanh nghiệp, rồi nhà nước bỏ lơ trách nhiệm của mình. Mà càng xã hội hóa thì nhà nước càng phải quan tâm, làm sao để đầu tư các nguồn lực để phát triển bộ môn đấy. Đưa ra các mục tiêu phù hợp với tình hình cụ thể của mình để có được những cơ chế chính sách, phân công trách nhiệm cho ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch nói riêng, cũng như các ngành liên quan nói chung tham gia vào cuộc về vấn đề này.

PV: Cụ thể hơn là cách làm hiện nay của CLB bóng đá Thanh Hóa là gì thưa ông?

Ông Vương Văn Việt: Chúng tôi ý thức được rằng khi chuyển sang cho các doanh nghiệp làm bóng đá thì phải thành lập công ty cổ phần bóng đá Thanh Hóa. Bên cạnh nguồn lực của nhà nước thì cần phải có sự quan tâm tâm của các nguồn lực kinh tế cùng tham gia. Cho nên cùng với các doanh nghiệp đứng ra thành lập công ty cổ phần bóng đá thì tỉnh phải đứng ra kêu gọi các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh. Nhất là các doanh nghiệp là người Thanh Hóa tâm huyết về quê hương; Thông qua việc quảng cáo, bán vé và các hoạt động khác của công ty cổ phần bóng đá để có nguồn chi cho bóng đá.

Chúng tôi nghĩ rằng không thể sánh được với các doanh nghiệp có tiềm lực lớn. Cũng phải xác định biết mình, biết người, cố gắng củng cố duy trì và động viên tinh thần cho cầu thủ ổn định tư tưởng, tổ chức cho đội.

PV: Ngoài sự hỗ trợ của các thành phần kinh tế cho hoạt động bóng đá, năm 2013 UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ chi bao nhiêu kinh phí từ ngân sách cho vấn đề này?

Ông Vương Văn Việt:Năm 2013tỉnh bố trí ngân sách để hỗ trợ bóng đá là 40 tỷ. Trong đấy có đào tạo bóng đá trẻ và câu lạc bộ. Cùng với việc đấy mình phải huy động nguồn lực của toàn xã hội nữa.Chúng tôi cũng lên dự kiến chi cho toàn bộ hoạt động bóng đá trên 50 tỷ, từ đào tạo trẻ, chỉ đạo tuyến. Năm ngoái tổng số tiền chi cho hoạt động thì cao hơn năm nay do có những hợp đồng, lương với nhiều cầu thủ ngoại.

PV: Vậy theo ông, việc có nhiều tổ chức, doanh nghiệp, thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động bóng đá có lợi thế như thế nào?
 

Ông Vương Văn Việt:Tôi cũng mong muốn có 1 doanh nghiệp hay tập đoàn lớn nào đấy đứng ra làm việc này cho mình. Nhưng mà cũng phải hiểu người ta làm phải bằng tâm huyết, nhưng là doanh nghiệp thì họ phải chú ý tới thương hiệu.

Cổ động viên Thanh Hóa luôn hết mình vì đội nhà (ảnh minh họa)

Trong điều kiện phát triển kinh tế như hiện nay, các doanh nghiệp của Thanh Hóa chủ yếu là nhỏ và vừa. Nên bây giờ mình chưa có doanh nghiệp thật lớn thì mình phải tính tới việc mời – gọi – vận động các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng tham gia. Tôi đánh giá rất cao sự tham gia của các doanh nghiệp tổ chức lên công ty cổ phần bóng đá. Tôi cho rằng, chính cái đó đã giúp cho bóng đá của Thanh Hóa vẫn có thể trụ vững được qua các mùa giải.

PV: Vậy trách nhiệm của chính quyền trong hoạt động thể thao nói chung và bóng đá nói riêng tại tỉnh Thanh Hóa là như thế nào, thưa ông?

 Ông Vương Văn Việt: Nếu chỉ dựa vào mỗi công ty không thôi thì khi khó khăn, đổ bể thì mình chẳng giải quyết được gì cả. Thế thì mỗi người phải có trách nhiệm. Nhà nước dứt khoát phải quan tâm. Bản thân nhà nước cũng phải tăng cường quản lý khi anh xã hội hóa ngày càng cao lên, nhà nước phải tiếp tục kêu gọi, vận động các doanh nghiệp, thành phần kinh tế cùng tham gia làm công việc này. Nếu anh ỉ lại, giao toàn bộ cho doanh nghiệp thì bản thân các công ty này không thể đứng lên diễn đàn kêu gọi các doanh nghiệp khác hỗ trợ vấn đề này. Phải nghĩ được việc như thế để thấy rằng ở sân chơi bóng đá hiện nay, tiếp cận với các nước phát triển cần có thời gian. Trong giai đoạn hiện nay tôi nghĩ phải có nhiều năm. Nhà nước phải tham gia tích cực. Luôn luôn tăng cường công tác quản lý để xã hội hóa một cách đúng hướng.

PV: Xin cảm ơn ông./.