Châu Âu cũng cam kết sẽ hỗ trợ Nga tiến hành điều tra sự cố vụ rò rỉ đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1 và 2 hồi đầu tuần này, đồng thời đưa ra phản ứng "mạnh mẽ" trước bất kỳ hành động phá hoại nào, nếu có, nhằm mục đích làm gián đoạn cơ sở hạ tầng năng lượng của khối.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dự kiến sẽ triệu tập một cuộc họp khẩn trong ngày hôm nay (30/9), sau những nghi ngờ về những hành động phá hoại có chủ đích nhằm vào đường ống mà Nga và các đối tác châu Âu đã chi hàng tỷ USD để xây dựng. Cho đến nay, Thụy Điển và Đan Mạch xác nhận phát hiện 4 đoạn đường ống bị rò rỉ trong hai tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và Dòng chảy phương Bắc 2 dẫn khí đốt từ Nga tới Đức qua Biển Baltic.
Theo người phát ngôn Điện Kremlin, Nga chịu thiệt hại trực tiếp và 50% lượng khí đốt rò rỉ này đã được lên kế hoạch cung cấp cho thị trường trong nước. Cơ quan an ninh Nga gọi đây là “khủng bố quốc tế” và đã mở cuộc điều tra.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định: "Nga đã bắt đầu cuộc điều tra của riêng mình, như lực lượng thực thi pháp luật và lực lượng an ninh đã thông báo ngày hôm qua. Chúng tôi hy vọng một cuộc điều tra quốc tế về những gì đã xảy ra với các đường ống ở Biển Baltic cũng sẽ khách quan”.
Nhiều nước châu Âu đang tiến hành điều tra vụ việc theo hướng đây là hành vi phá hoại có chủ ý. Ủy viên thương mại của Liên minh châu Âu Valdis Dombrovkis cho biết: “Rõ ràng, vấn đề an toàn và môi trường vẫn là ưu tiên hàng đầu. Những sự cố này không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Tất cả những thông tin có được đến nay dường như chỉ ra rằng đây là một hành động cố ý gây thiệt hại.
Vì vậy, từ phía Ủy ban châu Âu, chúng tôi đang liên hệ với các quốc gia thành viên và sẵn sàng hỗ trợ bất kỳ cuộc điều tra nào nhằm thu thập đầy đủ thông tin làm rõ đối tượng đã thực hiện hành vi này, cũng như về các bước đi tiếp theo để tăng cường khả năng phục hồi an ninh năng lượng của chúng tôi. Rõ ràng rằng bất kỳ sự cố ý nào làm gián đoạn cơ sở hạ tầng năng lượng của EU là hoàn toàn không thể chấp nhận được và sẽ được đáp trả bằng một phản ứng mạnh mẽ và thống nhất".
Sự cố rò rỉ đường ống Dòng chảy phương Bắc đang làm dấy lên lo ngại về mức độ an toàn của các hệ thống năng lượng của châu Âu giữa lúc các nước đang chạy đua với thời gian để dự trữ khí đốt cho mùa đông. Theo nhận định của giới chuyên gia, không loại trừ khả năng tất cả các cơ sở hạ tầng trọng yếu ở châu Âu, từ đường dầu khí Biển Bắc, đường cáp điện kết nối lục địa châu Âu với Anh cho tới các đường cáp internet đều có thể gặp nguy hiểm.
Trong khi đó, số phận hàng nghìn doanh nghiệp châu Âu cũng đang "lao đao" trước khủng hoảng năng lượng. Liên đoàn các doanh nghiệp châu Âu cảnh báo, tình trạng giá điện và khí đốt cao hiện nay có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất và khiến hàng nghìn doanh nghiệp châu Âu thua lỗ, thậm chí dẫn tới phải đóng cửa. Hiện tại, Ủy ban châu Âu và 27 nước thành viên đang nỗ lực để đề ra các biện pháp giảm thiểu tác động của chí phí tăng vọt. Dự kiến trong ngày hôm nay 30/9, Bộ trưởng Năng lượng các nước EU cũng sẽ nhóm họp tại Brussels để thống nhất các phương án./.