Theo quan chức thuộc Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, với quy định mới ban hành về việc đề bạt và miễn nhiệm cán bộ, trong đó nhấn mạnh việc cán bộ lãnh đạo “có thể lên, có thể xuống”, nước này sẽ tập trung giải quyết vấn đề “có thể xuống” của các cán bộ “có vấn đề” nhưng chưa đến mức vi phạm nghiêm trọng.

Trong bài trả lời phỏng vấn Tân Hoa Xã đăng ngày 20/9, quan chức phụ trách Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đánh giá, nhìn chung, đội ngũ cán bộ nước này là vững vàng, xung phong đi đầu và dám gánh vác trách nhiệm trong các nhiệm vụ cấp bách, khó khăn, “nhưng vẫn còn tồn tại hiện tượng một số trường hợp chưa thích ứng được với thời đại mới, hành trình mới, nhiệm vụ mới, đặc biệt là một số cán bộ không dám chịu trách nhiệm, không làm gì hoặc làm bừa, lười nhác tầm thường, đùn đẩy né tránh, khiến sự nghiệp phát triển trì trệ nghiêm trọng.”

Quan chức này cho biết, trong quá trình sửa đổi quy định về đề bạt và miễn nhiệm cán bộ, Trung Quốc chú trọng một số nội dung, như tập trung vào những vấn đề nổi cộm. Theo đó, cái khó trong việc thúc đẩy cán bộ lãnh đạo “có thể lên, có thể xuống” là giải quyết vấn đề “có thể xuống”, mà chủ yếu là làm thế nào để điều chỉnh những cán bộ có vấn đề nhưng chưa đến mức vi phạm kỷ luật, pháp luật nghiêm trọng.

Về phạm vi áp dụng, quy định đã bổ sung thêm cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo trong các doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị sự nghiệp. Về tình huống cụ thể, quy định đã đưa ra các tiêu chuẩn quản lý cán bộ nghiêm ngặt, nhằm thể hiện tính nghiêm minh.

Trước đó, ngày 19/9, Trung Quốc đã ban hành quy định mới về đề bạt và miễn nhiệm cán bộ, trong đó nhấn mạnh thúc đẩy thực hiện việc cán bộ lãnh đạo “có thể lên, có thể xuống” với trọng điểm là “có thể xuống”. Trong đó, liệt kê 15 trường hợp cụ thể không phù hợp đảm nhiệm chức vụ hiện hành.

Quy định mới được sửa đổi, bổ sung dựa trên quy định thí điểm tương tự do Bộ Chính trị nước này thông qua 7 năm trước, nhằm quản lý Đảng toàn diện, nghiêm minh và quản lý chặt chẽ cán bộ. Quy định thí điểm từng được truyền thông Trung Quốc đánh giá là “văn kiện quan trọng nhất về cải cách chế độ cán bộ nhân sự kể từ sau Đại hội 18”./.