Thông tin mới về các chương trình vũ trụ của Trung Quốc đã được các đại biểu tiết lộ khi tham dự “Lưỡng hội”, tức hai kỳ họp Nhân đại (Quốc hội) và Chính hiệp (Mặt trận) đang tổ chức tại Bắc Kinh.

Ông Vương Tiểu Quân, ủy viên Chính hiệp và là Viện trưởng Viện nghiên cứu công nghệ tên lửa đẩy Trung Quốc, mới đây cho biết series tên lửa Trường Chinh đã được lên kế hoạch với hơn 60 nhiệm vụ phóng vào không gian trong năm nay và dự kiến ​đến quý IV tên lửa này ​​​sẽ đạt tổng cộng 500 lần phóng. Cũng trong năm 2023, trạm vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc sẽ chuyển sang chế độ vận hành thường xuyên. Ngành hàng không nước này sẽ thúc đẩy toàn diện giai đoạn 4 Chương trình thám hiểm Mặt Trăng và Chương trình thám hiểm các hành tinh, đồng thời phát triển tàu thám hiểm Mặt Trăng Hằng Nga-7 và thiết bị thăm dò sao Hỏa Thiên Vấn-2.

Ông cũng tiết lộ, viện nghiên cứu nơi ông làm việc đang phát triển tên lửa đẩy đưa người vào vũ trụ thế hệ mới và tên lửa đẩy hạng nặng. Khả năng vận tải trên quỹ đạo thấp của tên lửa thế hệ mới sẽ đạt 70 tấn và chuyến bay đầu tiên dự kiến ​​sẽ hoàn thành vào khoảng năm 2027. Tên lửa đẩy hạng nặng Trường Chinh-9 với đường kính thân 10 mét, cao khoảng 110 mét, khả năng vận tải trên quỹ đạo thấp đạt 150 tấn, khả năng vận tải trên quỹ đạo chuyển giao giữa Trái Đất và Mặt Trăng đạt hơn 50 tấn, sẽ hoàn thành lần bay đầu tiên vào khoảng năm 2030.

Theo chuyên gia này, tên lửa hạng nặng là một biểu tượng quan trọng giúp Trung Quốc trở thành cường quốc vũ trụ. Báo cáo của Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc đã vạch ra chiến lược tăng tốc xây dựng cường quốc vũ trụ, nhằm đưa nước này vào nhóm các cường quốc vũ trụ hàng đầu thế giới vào năm 2030 và chính thức trở thành cường quốc vũ trụ trên thế giới vào năm 2045/.