Nhiều địa phương ở Trung Quốc đã phải sử dụng công nghệ làm mưa nhân tạo để giảm bớt khô hạn do tác động của nắng nóng kéo dài và cung cấp thêm nước cho sông Dương Tử, nơi mực nước đã thấp xuống mức kỷ lục trong lịch sử.
Trung Quốc đang trải qua đợt nắng nóng được đánh giá là nghiêm trọng nhất và dài nhất trong lịch sử kể từ năm 1961.
Sáng nay (18/8), Đài Khí tượng Trung ương nước này tiếp tục phải ban bố cảnh báo nhiệt độ cao màu đỏ. Mức cảnh báo thời tiết cực đoan cao nhất này đã được phát đi ở Trung Quốc ngày thứ bảy liên tiếp và đây cũng là ngày thứ 29 liên tiếp Đài Khí tượng Trung ương Trung Quốc đưa ra cảnh báo nhiệt độ cao trong năm nay.
Do thời tiết nắng nóng suốt hơn 2 tháng qua và lượng mưa thấp nhất trong vòng 6 thập kỷ, lưu vực sông Dương Tử - con sông dài nhất châu Á và hai hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, gồm hồ Phàn Dương và hồ Động Đình, đang có mực nước thấp nhất kể từ khi có số liệu thống kê. Nhiều địa phương ở nước này, như thành phố Trùng Khánh và các tỉnh Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Hồ Nam... đang trong tình trạng hạn hán nghiêm trọng và đạt đến giới hạn về sử dụng điện.
Trước thực trạng đó, những ngày qua, nhiều tỉnh, thành ở nước này đã phải tăng cường làm mưa nhân tạo, nhằm giảm hạn và ngăn chặn cháy rừng. Tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc, nơi cũng phát đi cảnh báo nhiệt độ cao màu đỏ vào sáng 18/8 với nền nhiệt một số nơi có thể lên tới trên 43 độ C, đã liên tục phải làm mưa nhân tạo những ngày qua.
Theo Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, tỉnh này đã thực hiện 159 lần làm mưa nhân tạo ở các khu vực khô hạn, cho một khu vực rộng khoảng 25.800 km vuông những ngày gần đây.
Bà Vương Diễm Kiệt, dự báo viên trưởng của Đài Khí tượng Trung tâm Vũ Hán cho biết: “Lượng mưa vào ngày 15 và 16/8 đã làm giảm bớt phần nào hạn hán ở khu vực Tây Bắc Hồ Bắc. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi những tác động tiêu cực của nhiệt độ cao và hạn hán đối với sản xuất nông nghiệp, cung cấp năng lượng và việc điều độ tài nguyên nước".
Hồ Nam, một tỉnh khác ở miền Trung Trung Quốc cũng phải làm mưa nhân tạo 155 lần tại 63 quận, huyện thuộc 13 thành phố trong tỉnh trên một diện tích khoảng 21.000 km2 kể từ tháng 7 đến nay, giúp tăng lượng mưa khoảng 65 triệu tấn.
Tuy nhiên, trước thời tiết nắng nóng kéo dài và hạn hán lan rộng, lực lượng không quân Trung Quốc đã phải điều máy bay đến Hồ Nam vào ngày 10/8 để hỗ trợ tăng cường làm mưa nhân tạo. Chỉ tính riêng chiều 16/8, 22 đợt mưa nhân tạo đã được thực hiện từ mặt đất, trên diện tích khoảng 3.000 km2 tại 19 quận, huyện thuộc 8 thành phố tại đây.
20 quả đạn tạo mưa cũng đã được phóng lên ở thành phố Miên Dương, tỉnh Tứ Xuyên, miền Tây Nam Trung Quốc từ chiều 16/8 đến sáng 17/8, nhằm cải thiện tình trạng hạn hán và giảm bớt nguy cơ cháy rừng.
Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, nơi có lúc nhiệt độ lên tới hơn 43 độ C trong ngày 17/8 và buộc phải cắt điện hoặc tắt điều hòa trung tâm ở một số tòa nhà văn phòng, cũng phải làm mưa nhân tạo.
Ngoài việc tạo mưa, theo Bộ Thủy lợi Trung Quốc, để tăng nguồn nước cho vùng trung hạ lưu sông Dương Tử, từ 12h trưa ngày 16/8 (giờ địa phương), đập Tam Hiệp, dự án thủy điện lớn nhất Trung Quốc, sẽ tăng lượng nước xả thêm 500 triệu m3 trong những ngày tới, sau khi đã bổ sung gần 1,1 tỷ m3 nước cho vùng hạ lưu trong 15 ngày đầu của tháng 8/2022./.