Kết quả giám sát và đánh giá mới nhất của Trung tâm Khí hậu Quốc gia Trung Quốc cho thấy, kể từ đầu hè đến nay (1/6-2/8), số ngày nhiệt độ cao trung bình ở nước này là 9,2 ngày, nhiều hơn 3,6 ngày so với cùng kỳ các năm và nhiều nhất kể từ năm 1961. Một số nơi ở tỉnh Hà Nam, An Huy, Hồ Bắc, Chiết Giang, Phúc Kiến và Tân Cương có số ngày nhiệt độ cao lên tới hơn 30 ngày.

Trung tâm này cho biết, kể từ ngày 13/6, Trung Quốc lần đầu tiên xuất hiện tình trạng thời tiết nhiệt độ cao cục bộ trong năm, quá trình này kéo dài, có phạm vi rộng, cường độ mạnh và mang tính cực đoan cao.

Tính đến ngày 2/8, hiện tượng nhiệt độ cao đã kéo dài 51 ngày, bao trùm một vùng diện tích lên tới hơn 5 triệu km2 và ảnh hưởng đến hơn 900 triệu người. Nhiệt độ tối đa của 131 trạm khí tượng quốc gia đã đạt hoặc vượt mức cao nhất trong lịch sử. Trong đó, một số nơi ở tỉnh Hà Bắc và Vân Nam lên tới trên 44°C.

Xét về tổng thể phạm vi tác động, cường độ và thời gian từ đầu hè đến nay, đây là đợt nắng nóng mạnh thứ 3 kể từ năm 1961, chỉ sau năm 2013 và 2017. Trong đó, thời điểm bắt đầu xảy ra nắng nóng sớm hơn năm 2013 và 2017, thời gian kéo dài chỉ đứng thứ hai sau năm 2013, phạm vi ảnh hưởng và nền nhiệt cao nhất đo được tại trạm khí tượng mặc dù không bằng năm 2017, nhưng đã vượt năm 2013.

Do thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện ở khoảng chục tỉnh, thành của Trung Quốc đã đạt mức kỷ lục, trong đó riêng Thượng Hải lượng tiêu thụ điện dân dụng vào đầu tháng 7 đã tăng 33,56% so với cùng kỳ.

Nắng nóng bất thường cũng khiến nhiều người bị say nóng. Từ ngày 1/7-14/7, thành phố Thâm Quyến đã ghi nhận 73 trường hợp phải gọi cấp cứu vì say nắng. Tình trạng khô hạn kéo dài cũng xảy ra ở một số khu vực.

Trung tâm Khí hậu Quốc gia Trung Quốc dự báo, trong khoảng 10 ngày tới, thời tiết nắng nóng vẫn sẽ diễn ra với cường độ tổng thể tiếp tục tăng cường. Trong tháng 8, số ngày nhiệt độ cao ở phía Bắc Tân Cương, khu vực miền Đông, miền Trung và Tây Nam nước này vẫn sẽ nhiều hơn cùng kỳ các năm./.