Ca ghép thận dị loài (xenotransplantation) này được thực hiện vào ngày 25/3, trong đó quả thận của lợn đã được chỉnh sửa đa gen và ghép cho một người chết não. Tờ Nhật báo Khoa học Công nghệ có trụ sở tại Bắc Kinh dẫn lời bác sĩ Tần Vệ Quân, Trưởng Khoa Tiết niệu Bệnh viện Tây Kinh thuộc Đại học Y Không quân ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, miền Tây Bắc Trung Quốc cho biết, tính đến ngày 7/4, quả thận vẫn hoạt động tốt sau 13 ngày cấy ghép và sản xuất nước tiểu bình thường.

Ông khẳng định, ca phẫu thuật này là một bước tiến quan trọng hướng tới mục tiêu ghép thận dị loài ở Trung Quốc, đặt nền tảng cho việc nghiên cứu và ứng dụng lâm sàng của ghép thận dị loài và có thể mang đến một sự lựa chọn điều trị mới cho bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn cuối trong tương lai.

Ghép thận hiện là phương pháp duy nhất để chữa khỏi cho những người mắc bệnh thận giai đoạn cuối. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nội tạng đã trở thành một vấn đề toàn cầu mà lĩnh vực cấy ghép phải đối mặt. Trung Quốc có hơn một triệu bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn cuối và chỉ có hơn 10.000 ca phẫu thuật ghép thận đồng loài được thực hiện mỗi năm.

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của công nghệ chỉnh sửa gen và miễn dịch học, nghiên cứu cấy ghép dị loài được kỳ vọng sẽ trở thành một phương pháp mới để giải quyết tình trạng thiếu nội tạng. Trong đó, nghiên cứu về ghép thận lợn chỉnh sửa gen đã đạt được một loạt đột phá lớn. Đến nay, trên thế giới đã có 6 ca ghép thận lợn chỉnh sửa đa gen cho người chết não và 1 ca ghép cho người được thực hiện.

Trước đó, hôm 10/3, bệnh viện này vừa thực hiện ca ghép gan dị loài đầu tiên trên thế giới từ gan của một con lợn đã chỉnh sửa đa gen sang cơ thể một người chết não.