Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) sáng nay (13/10) thông báo, hôm 12/10 nước này đã phóng thử 2 tên lửa hành trình chiến lược tầm xa.

Theo Triều Tiên, tên lửa nước này phóng hôm 12/10 đã bay trong khoảng 10 giây trên không phận vùng biển phía Tây Triều Tiên và đánh trúng mục tiêu cách đó 2.000 km. KCNA nêu rõ vụ phóng được tiến hành nhằm nâng cao hơn nữa “hiệu quả và sức mạnh chiến đấu” của những hệ thống tên lửa được triển khai tại các đơn vị của Quân đội Triều Tiên phục vụ hoạt động của các lực lượng hạt nhân chiến thuật, đồng thời khẳng định lại mức độ tin cậy của hệ thống ứng dụng tác chiến tổng thể.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã giám sát vụ phóng và bày tỏ hài lòng về khả năng phản ứng cao của các lực lượng tác chiến hạt nhân.

Chỉ trong hai tuần vừa qua, Triều Tiên đã tiến hành 8 vụ phóng tên lửavới tần suất dày đặc chưa từng có. Trong đó, vụ phóng tên lửa tầm trung (IRMB) hôm 4/10, lần đầu tiên bay qua Nhật Bản kể từ năm 2017, đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của các bên.

Tại cuộc họp sáng nay (13/10), Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada cho biết: “Về các tên lửa đạn đạo có tầm bắn đến Nhật Bản, rất có thể Triều Tiên đã đạt được khả năng thu nhỏ và gắn đầu đạn hạt nhân trên các tên lửa đó”.

Hôm qua 12/10, phái viên hạt nhân hàng đầu của Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đã tiến hành tham vấn về cách thức đối phó với hành động gây hấn liên tiếp từ Triều Tiên. Dự kiến, trong tuần tới, giới chức quân sự hàng đầu của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản sẽ nhóm họp ba bên tại Mỹ để trao đổi cũng như tăng cường các biện pháp hợp tác nhằm đối phó với các mối đe dọa gia tăng từ Triều Tiên.

Tuy nhiên, trước hàng loạt các vụ phóng tên lửa thời gian gần đây cùng với việc tháng trước Triều Tiên đã thông qua luật cho phép tấn công hạt nhân phủ đầu và khẳng định là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, nhiều chuyên gia cho rằng, mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên đã trở nên xa vời và các bên cần thay đổi cách tiếp cận về vấn đề này.

Ông Sangsoo Lee, người đứng đầu Trung tâm Hàn Quốc - Stockholm cho rằng, Mỹ và Hàn Quốc nên chuyển trọng tâm ra khỏi các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa và thay vào đó theo đuổi chiến lược “quản lý khủng hoảng quân sự” và cắt giảm vũ khí. Tương tự, ông Mark Barry, một chuyên gia về Triều Tiên và là phó tổng biên tập của Tạp chí Quốc tế vì Hòa bình Thế giới nhận định, các chuyên gia về vấn đề Triều Tiên nên bắt đầu “thừa nhận một cách công khai rằng mục tiêu phi hạt nhân hóa giờ đã lỗi thời”.

Trong khi đó, người dân Hàn Quốc cũng tin rằng, việc phi hạt nhân hóa đã trở nên bất khả thi. Một cuộc khảo sát hồi tháng 9 cho thấy 92,5% số người được hỏi ở nước này cho rằng việc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân là không thể - tỷ lệ cao nhất kể từ cuộc khảo sát lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2007.

Ông Sangsoo Lee cũng cho rằng, chiến lược gây “áp lực tối đa” của Mỹ đối với Triều Tiên là không khả thi, thay vào đó Mỹ nên tăng cường hợp tác với Nga và Trung Quốc trong vấn đề này, ngoài ra cũng cần sử dụng cách tiếp cận từng bước cũng như nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên.

Mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho rằng, các bên có liên quan cần theo đuổi giải pháp chính trị cho vấn đề Bán đảo Triều Tiên, thông qua đối thoại và tham vấn giải quyết một cách cân bằng các mối quan tâm của nhau. Bà nói: “Tất cả cần được phản ánh bằng các hành động cụ thể, cần phải tạo điều kiện để nối lại các cuộc đối thoại có ý nghĩa thực chất”./.