Theo kênh truyền hình Sada al-Balad, các nhà đàm phán ở Ai Cập đã đạt được tiến bộ về những khía cạnh kỹ thuật của một thỏa thuận tiềm tàng. Theo đó, lực lượng Hamas và các nhà trung gian hòa giải Ai Cập đã đạt được đồng thuận về nhiều vấn đề bất đồng. Cụ thể, lực lượng Hamas đã nhất trí thực hiện giai đoạn đầu tiên của đề xuất thỏa thuận trả tự do cho các con tin, với điều kiện Mỹ đảm bảo rằng các lực lượng của Israel sẽ rút hoàn toàn khỏi Dải Gaza sau 124 ngày, thời điểm cả 3 giai đoạn của thỏa thuận được hoàn tất.

Về phía Israel, hôm qua (4/5), một quan chức hàng đầu của Israel cho biết Israel sẽ cử một phái đoàn đến Ai Cập để đàm phán về lệnh ngừng bắn ở Gaza chỉ khi nước này nhận thấy “diễn biến tích cực” về khuôn khổ thỏa thuận trao đổi con tin.

Bất chấp một số tín hiệu lạc quan được các bên đưa ra, theo một số nguồn tin tham gia đàm phán, ngay cả khi lực lượng Hamas chấp nhận đề xuất đã được Israel đưa ra trước đó, vẫn cần thời gian để các bên thống nhất về những chi tiết cụ thể, trước khi đi đến một thỏa thuận ngừng bắn cuối cùng. Theo các nguồn tin, các cuộc thảo luận có thể sẽ kéo dài và vô cùng khó khăn.

Trong một tuyên bố trước báo giới, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng rào cản duy nhất hiện nay cho thỏa thuận ngừng bắn chính là lực lượng Hamas. Mặc dù nhận định việc ký kết với Israel là điều dễ như trở bàn tay cho Hamas nhưng theo Ngoại trưởng Mỹ, công tác đàm phán với Hamas thật sự phức tạp vì một số lý do.

"Các thủ lĩnh Hamas mà chúng tôi tiếp xúc gián tiếp đều thông qua Qatar và Ai Cập và họ cũng sống ngoài Gaza. Những người đưa ra quyết định cuối cùng lại là các nhân vật đang ở Gaza, mà không có ai trong số chúng tôi có liên hệ trực tiếp cả.”

Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ cho thấy, triển vọng về một lệnh ngừng bắn ở Gaza là vô cùng mong manh khi các cuộc đàm phán giữa Israel và Hamas đều thông qua trung gian. Do đó, thông tin về đàm phán không tranh khỏi sự sai lệch. Mỹ  cho đến nay vẫn xem lực lượng Hamas là tổ chức khủng bố và từ chối tiếp xúc trực tiếp, trong khi Israel vẫn tuyên bố muốn diệt trừ Hamas.

Israel trước đó đã đặt thời hạn 1 tuần để Hamas đồng ý thỏa thuận giải quyết vấn đề con tin, nếu không, nước này sẽ phát động chiến dịch tấn công Rafah. Theo đề xuất của Israel, giai đoạn ngừng bắn đầu tiên kéo dài 40 ngày, trong đó, Hamas trả tự do tối đa cho 33 trong số hơn 100 con tin của Israel đang bị giữ ở Gaza kể từ khi xảy ra xung đột vào tháng 10/2023. Trong khoảng thời gian này, các bên sẽ tiến hành đàm phán để đạt được thỏa thuận ngừng bắn lâu dài hơn. Giai đoạn ngừng bắn thứ 2 sẽ kéo dài ít nhất 6 tuần, các bên sẽ nhất trí thả con tin với số lượng lớn hơn và cam kết tạm dừng giao tranh trong thời gian dài, có thể tới 1 năm. Nếu được ký kết, đây sẽ là thỏa thuận đầu tiên kể từ lệnh ngừng bắn kéo dài 1 tuần hồi tháng 11/2023, khi 105 con tin được trả tự do để đổi lấy 240 tù nhân Palestine.

Trong những ngày qua, các bên tham gia hòa giải đã nỗ lực thúc đẩy nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn, trong bối cảnh Israel đe dọa triển khai tấn công thành phố Rafah, phía Nam Gaza, nơi 1,2 triệu người Palestine đang lánh nạn, bất chấp lo ngại của cộng đồng quốc tế. Trong lúc các bên đang thúc đẩy  đàm phán đang diễn ra ở Ai Cập, quân đội Israel vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt áp lực tấn công trên khắp Dải Gaza. Truyền thông Trung Đông đưa tin, hôm qua, quân đội Israel vẫn tiếp tục nã pháo và sử dụng máy bay không người lái bắn phá vào thành phố Rafah. Trong khi đó, tại khu vực miền trung Gaza, quân đội Israel tiếp tục dội bom ác liệt và đưa bộ binh đến khu vực đặt trại tị nạn Nuseirat.