Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm nay cũng hối thúc các nhà lãnh đạo thế giới ủng hộ kế hoạch hòa bình 10 điểm của Ukraine.

Phát biểu thông qua một video trực tuyến tại Hội nghị G20, Tổng thống Zelensky kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 ủng hộ công thức hòa bình 10 điểm của Ukraine. Những nội dung chính bao gồm đảm bảo an toàn hạt nhân và phóng xạ, an toàn an ninh lương thực và năng lượng, thả các tù nhân Ukraine, thực hiện Hiến chương Liên Hợp Quốc... Tổng thống Ukraine khẳng định sẽ không thỏa hiệp về vấn đề chủ quyền, lãnh thổ hay độc lập, rút tất cả các lực lượng Nga ra khỏi lãnh thổ Ukraine, tái khẳng định sự toàn vẹn lãnh thổ của nước này, kêu gọi thả các tù nhân Ukraine... 

Với chủ đề an ninh lương thực và năng lượng, G20 vốn không phải là một diễn đàn để giải quyết các vấn đề an ninh nhưng rõ ràng điều này đang tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Kể từ khi xung đột nổ ra, giá lương thực và năng lượng toàn cầu tăng vọt, đẩy hàng triệu người khác rơi vào cảnh đói nghèo.

Chấm dứt xung đột, thúc đẩy giải pháp ngoại giao được nhiều nhà lãnh đạo G20 đề cập tại hội nghị.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho rằng, nếu xung đột không chấm dứt, thế giới sẽ khó có thể thúc đẩy được giải pháp: "Trách nhiệm đặt trên vai chúng ta đó là tôn trọng luật quốc tế các nguyên tắc Hiến chương của Liên Hợp Quốc. Trách nhiệm của chúng ta là thiện chí để tạo ra những tình huống cùng có lợi. Trách nhiệm của chúng ta là phải chấm dứt xung đột. Nếu chiến tranh không chấm dứt, thế giới sẽ không thể tiến lên phía trước".

Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi cũng nhấn mạnh mục tiêu tạo ra một trật tự thế giới mới cho thời kỳ hậu Covid-19 đang đặt lên vai các quốc gia, yêu cầu hiện nay là quyết tâm tập thể để đảm bảo hòa bình, hòa hợp và an ninh trên thế giới. Ông Modi cũng kêu gọi một lệnh ngừng bắn và thúc đẩy giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột Nga-Ukraine. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng bày tỏ phản đối "chính trị hóa, công cụ hóa và vũ khí hóa" các vấn đề lương thực và năng lượng./.