Trong một cuộc phỏng vấn được công bố ngày 15/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông ủng hộ kế hoạch của Trung Quốc nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Theo ông Putin, Trung Quốc hiểu đầy đủ về nguyên nhân đằng sau cuộc khủng hoảng này.

Phát biểu với Tân Hoa Xã của Trung Quốc trước chuyến thăm Bắc Kinh trong tuần này, Tổng thống Nga Putin cho biết Nga vẫn sẵn sàng đối thoại và đàm phán để giải quyết cuộc xung đột đã kéo dài hơn 2 năm.

Ông Putin nói rằng kế hoạch của Trung Quốc và các “nguyên tắc” khác được Chủ tịch Tập Cận Bình công bố hồi tháng 4 đã tính đến các yếu tố đằng sau cuộc xung đột Nga-Ukraine.

“Chúng tôi đánh giá tích cực về cách tiếp cận của Trung Quốc trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Bắc Kinh thực sự hiểu nguyên nhân sâu xa và ý nghĩa địa chính trị toàn cầu của cuộc khủng hoảng đó”, ông Putin nói.

Các nguyên tắc bổ sung do ông Tập Cận Bình đặt ra trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz là “những bước đi thực tế và mang tính xây dựng” nhằm “phát triển ý tưởng về sự cần thiết phải vượt qua tâm lý chiến tranh lạnh”.

Cách đây hơn một năm, Bắc Kinh nêu lập trường 12 điểm, đưa ra những nguyên tắc chung để chấm dứt xung đột Nga-Ukraine, nhưng không đi sâu vào chi tiết cụ thể.

Tháng trước, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gọi đề xuất này là “kế hoạch hợp lý”.

Các nguyên tắc bổ sung của ông Tập kêu gọi “hạ nhiệt” tình hình, tạo điều kiện để lập lại hòa bình, tạo ổn định và giảm thiểu tác động đến kinh tế thế giới.

Nga coi cuộc xung đột ở Ukraine là một cuộc đấu tranh chống lại “tập thể phương Tây” vốn không tính đến những lo ngại về an ninh của Moscow khi không ngừng mở rộng về phía Đông của NATO và hoạt động quân sự gần biên giới Nga.

Nga và Trung Quốc tuyên bố hai nước có mối quan hệ “không giới hạn” chỉ vài ngày trước khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, tuy nhiên cho đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa cung cấp vũ khí và đạn dược cho phía Nga.

Kế hoạch hòa bình của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy kêu gọi Nga rút quân, khôi phục biên giới hậu Xô Viết năm 1991 và buộc Nga phải chịu trách nhiệm về hành động của mình.

Một “hội nghị thượng đỉnh hòa bình” dự kiến diễn ra ở Thụy Sĩ vào tháng 6 nhưng Nga không được mời tham dự. Moscow coi sáng kiến này là vô nghĩa và nói rằng các cuộc đàm phán phải tính đến “thực tế mới”.