Phát biểu trong chương trình “Sự kiện” trên kênh truyền hình France 2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ sự lo ngại trước diễn biến leo thang căng thẳng tại Ukraine đã làm thay đổi bản chất của cuộc xung đột khi các cơ sở dân sự trở thành các mục tiêu tấn công.

Theo người đứng đầu nước Pháp, cuộc xung đột tại Ukraine là một cuộc chiến hỗn hợp, không đơn thuần chỉ diễn ra trên cả chiến trường mà còn là một cuộc chiến về truyền thông giữa các bên.

Tổng thống Pháp nhận định, châu Âu sẽ phải trải qua một mùa Đông khắc nghiệt với xung đột kéo dài tại Ukraine và nguy cơ về một cuộc khủng hoảng năng lượng.        

Ông Macron khẳng định, sẽ duy trì sự ủng hộ cho Ukraine cả về tài chính và quân sự. Ngoài các tổ hợp pháo tự hành Caesar, Pháp sẽ chuyển giao thêm cho Ukraine các loại vũ khí mới trong thời gian tới, trong đó đáng chú ý sẽ bao gồm tên lửa, hệ thống phòng không và rada. 

Trước câu hỏi về nguy cơ hạt nhân, Tổng thống Pháp Macron nhấn mạnh, Pháp theo đuổi học thuyết hạt nhân mang tính răn đe, sẽ không tham gia vào cuộc xung đột hiện nay và cố gắng ngăn chặn Chiến tranh thế giới thứ 3. 

Người đứng đầu nước Pháp tiếp tục bảo vệ quan điểm tiếp tục duy trì các cuộc điện đàm với Tổng thống Nga để sớm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng.

 “Mục tiêu của chúng ta là kiến tạo hoà bình. Tôi chỉ muốn nói hai điều là, bất cứ khi nào cần thiết, tôi sẽ nói chuyện với Tổng thống Vladimir Putin và sẽ đến một thời điểm nào đó mà tôi hy vọng sớm nhất có thể, tất cả các bên liên quan sẽ phải ngồi vào bàn đàm phán”, Tổng thống Pháp Macron nói.

 Theo quyết định của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, kể từ tháng 11/2022, quân đội Pháp sẽ tăng gấp đôi quân số và bổ sung thêm các loại vũ khí chủ lực như tiêm kích Rafale, xe bọc thép VBCI và xe tăng Leclerc để triển khai tại các thành viên NATO ở phía Đông như Rumania, Estonia và Litva. 

Sự hiện diện quân sự của Pháp ở sườn phía đông của NATO cũng chính thức được đặt tên là “Chiến dịch Đông Âu” với thời hạn 2 năm, kéo dài từ 20/02/2022 đến 19/02/2024./.