Hôm 17/3, Tổng thống Mỹ Biden thừa nhận rằng Washington không công nhận Tòa Hình sự quốc tế (ICC) nhưng đồng ý với các tuyên bố của tòa này cho rằng Tổng thống Nga Putin đã "phạm các tội ác chiến tranh" ở Ukraine.
Nói với đội phóng viên Nhà Trắng hôm 17/3, ông nói rằng Tòa Hình sự quốc tế là có lý nhưng ông cũng chỉ ra rằng "vấn đề là, chúng tôi không công nhận tòa này trên bình diện quốc tế".
Khi được một phóng viên khác hỏi, ông Biden đã trả lời rằng ông Putin "rõ ràng đã phạm tội ác chiến tranh".
Trước đó cùng ngày, Tòa Hình sự quốc tế tố Tổng thống Putin "di chuyển bất hợp pháp dân chúng".
Đài RT (Nga) cho rằng tuyên bố của ICC có vẻ dựa trên cách giải thích của chính quyền Ukraine về nỗ lực của Nga sơ tán trẻ em khỏi vùng chiến sự mà quân đội Ukraine tham chiến, sử dụng vũ khí do NATO cung cấp.
Điện Kremlin và Bộ Ngoại giao Nga đã phủ nhận tuyên bố trên của Tòa Hình sự quốc tế, coi đó là vô nghĩa. Họ cũng khẳng định rằng Nga không phải là một bên trong Quy chế Rome của ICC, và rằng tòa này không có thẩm quyền ở Nga.
Các quan chức Nga khác nói rằng ICC đã tự hủy hoại chính mình và cho thấy các thể chế được phương Tây hậu thuẫn đã trở nên "vô giá trị và mất ý nghĩa" như thế nào.
Cựu Tổng thống Nga - đương kim Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Medvedev thậm chí còn so sánh trát của ICC với "giấy toilet".
ICC được xây dựng theo mô hình các tòa án được Mỹ hậu thuẫn ở Nam Tư và Rwanda nhưng Mỹ đã rút khỏi tòa này vào năm 2002. Mỹ cũng thông qua một đạo luật cho phép sử dụng "tất cả các phương tiện cần thiết và thích hợp", bao gồm cả vũ lực, để phóng thích bất cứ người Mỹ nào hoặc công dân của một nước đồng minh nếu họ bị ICC bắt giữ.
Khoảng 45 quốc gia không công nhận thẩm quyền của Tòa Hình sự quốc tế, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Israel, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ./.