Trước đó, ngày 26/2, Thủ tướng Slovakia Robert Fico cho biết, một số nước EU và NATO đang cân nhắc về khả năng đưa quân tới Ukraine dựa trên các thỏa thuận song phương.

Cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi một làn sóng hỗ trợ mới dành cho Ukraine để đảm bảo Nga không thể giành thắng lợi, đồng thời không loại trừ khả năng phương Tây đưa quân vào Ukraine.

Nhận định với báo giới sau hội nghị quốc tế về viện trợ cho Ukraine tại Paris, Tổng thống Duda cho rằng: "Nếu chúng ta đang nói về việc cung cấp sự hỗ trợ cụ thể thì các quốc gia riêng lẻ sẽ quyết định về hình thức hỗ trợ họ sẽ cung cấp cho Ukraine. Có một cuộc thảo luận đang nóng lên về việc đưa binh lính tới Ukraine và hoàn toàn không có sự hiểu biết chung về vấn đề này. Đã có những quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng hoàn toàn không có những quyết định như vậy".

Các nước phương Tây mặc dù cung cấp hàng tỷ USD hỗ trợ quân sự cho Ukraine nhưng đã từ chối ý tưởng đưa quân tới nước này, một động thái có thể dẫn đến cuộc đối đầu trực tiếp với Nga.

Giữa bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine bước sang năm thứ ba, Kiev đang đối mặt với các cuộc tấn công của Nga ở Đông Bắc và phía Nam sau khi Moscow kiểm soát thành phố Avdiivka chiến lược đầu tháng này. Kiev cũng đang chật vật tuyển thêm quân và mặc dù các gói hỗ trợ mới vẫn được cung cấp nhỏ giọt từ các nước châu Âu nhưng sự hỗ trợ của Mỹ - đối tác lớn nhất của Ukraine, vẫn bế tắc tại Quốc hội.

Không lâu sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết quân đội Mỹ sẽ không chiến đấu ở Ukraine và khẳng định: "Các lực lượng của chúng tôi sẽ không tham gia vào cuộc xung đột với Nga ở Ukraine".

Khi được hỏi về bình luận của ông Fico, Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala cho biết nước này "chắc chắn sẽ không chuẩn bị đưa bất kỳ binh lính nào tới Ukraine".