Tuy nhiên, ông khẳng định trách nhiệm cuối cùng thuộc về Nga, quốc gia đã tiến hành một loạt cuộc tấn công tên lửa vào Ukraine trong ngày 15/11.
Tổng thống Ba Lan Duda cho biết theo thông tin mà Ba Lan và các đồng minh có được, vụ nổ do một tên lửa S-300 do Liên Xô sản xuất, tuy nhiên đây là một tên lửa cũ và không có bằng chứng nào cho thấy nó được phóng bởi Nga và có khả năng cao là tên lửa này được lực lượng phòng không Ukraine bắn. Tên lửa đã rơi bên ngoài ngôi làng ở Przewodow của Ba Lan, cách biên giới Ukraine khoảng 4 dặm về phía tây làm 2 người thiệt mạng.
Vụ việc diễn ra chỉ vài giờ sau khi Nga tiến hành một loạt cuộc tấn công lớn vào các thành phố trên khắp Ukraine. Quân đội Ukraine cho biết 77 trong số hơn 90 tên lửa được bắn hạ cùng với 11 máy bay không người lái. Tuy nhiên, vụ việc đã đánh dấu lần đầu tiên một quốc gia NATO bị ảnh hưởng trực tiếp trong cuộc xung đột kéo dài gần 9 tháng giữa Nga - Ukraine.
Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, cho biết sự cố tên lửa ở Ba Lan chứng tỏ rằng cuộc chiến ở Ukraine đang tiếp tục tạo ra những tình huống nguy hiểm cho các quốc gia. Ông khẳng định Nga phải chịu trách nhiệm về cuộc xung đột hiện tại, đồng thời cảnh báo nếu Nga cố tình nhắm mục tiêu vào Ba Lan thì sẽ lôi kéo NATO vào cuộc xung đột.
Các nhà lãnh đạo thế giới tập trung tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali đang cố gắng dập tắt khả năng leo thang trong cuộc chiến kéo dài nhiều tháng ở Ukraine. Các nhà lãnh đạo G7 và NATO cho biết, sẽ hỗ trợ các cuộc điều tra về vụ nổ và bày tỏ chia buồn với các trường hợp đã thiệt mạng.
Điện Kremlin đã phủ nhận có liên quan đến vụ nổ. Bộ Quốc phòng Nga gọi các báo cáo của truyền thông Ba Lan là một hành động khiêu khích có chủ ý nhằm leo thang tình hình. Ngày 16/11, phái đoàn Nga tại Liên Hợp Quốc cho biết vụ việc ở Ba Lan là một động thái nhằm kích động một cuộc đụng độ quân sự trực tiếp giữa NATO và Nga, đồng thời cho biết thêm vụ việc sẽ là tâm điểm chú ý tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc diễn ra cùng ngày.
Trước đó. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết không có bằng chứng về các cuộc tấn công bằng tên lửa nhưng khẳng định Ba Lan sẽ tăng cường sự sẵn sàng quân sự và có thể kích hoạt Điều 4 của Hiến chương NATO, cho phép các thành viên của liên minh yêu cầu tham vấn với 29 quốc gia thành viên khác và đưa ra quyết định nhất quán về động thái tiếp theo./.