Lực lượng Hamas hôm qua đã phóng 10 quả đạn pháo từ khu vực Rafah về một cứ điểm của quân đội Israel đóng ở khu vực giáp ranh, khiến 3 binh sĩ Israel thiệt mạng.

Ngay lập tức, Israel đã tiến hành một loạt cuộc không kích nhằm vào các bệ phóng vừa thực hiện cuộc tấn công nhằm vào quân đội nước này và một công trình quân sự của Hamas tại Rafah. Theo giới chức y tế Gaza, 19 người đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương trong các vụ không kích này.

Vụ đụng độ giữa quân đội Israel và lực lượng Hamas đáng chú ý trong bối cảnh quốc tế lo ngại Israel sẽ đổ bộ vào Rafah, gây ra thảm kịch nhân đạo. Israel cũng cáo buộc Hamas đang sử dụng dân thường làm lá chắn sống, trong khi Mỹ khẳng định, kế hoạch tấn công Rafah của đồng minh chưa có sự chắc chắn trong việc bảo vệ mạng sống dân thường.

Nếu các cuộc đụng độ như hôm qua gia tăng, điều này có thể khiến Israel thúc đẩy kế hoạch đổ bộ vào Rafah sớm hơn, khi quân đội nước này nhiều lần tuyên bố đã sẵn sàng. Đặc biệt là trong bối cảnh tiến trình đàm phán ngừng bắn tại Ai Cập cũng “lại chuyển biến xấu đi”, dù mới đây Israel đã cơ bản đồng ý với việc thả hàng trăm tù nhân Palestine và ngừng bắn trong vài tuần để đổi lấy việc Hamas giải phóng 20-33 con tin.

Hôm qua, Hamas nhắc lại yêu cầu “chấm dứt hoàn toàn xung đột” để đổi lấy việc giải phóng con tin còn Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã thẳng thừng bác bỏ điều này:

“Chúng tôi không sẵn sàng chấp nhận tình huống các tiểu đoàn của Hamas rời khỏi đường hầm, thiết lập lại quyền kiểm soát Dải Gaza, xây dựng lại các ngành công nghiệp quân sự và trở lại là mối đe dọa với công dân Israel. Khi đó, vụ tấn công như ngày 7/10 chỉ còn là vấn đề thời gian. Đầu hàng trước các yêu cầu của Hamas sẽ là một thất bại khủng khiếp đối với Nhà nước Israel. Israel sẽ không đồng ý với các yêu cầu của Hamas, nghĩa là Israel sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi đạt được tất cả các mục tiêu của mình”.

Một quan chức Israel thừa nhận, quá trình đàm phán ngừng bắn tại Ai Cập sắp sụp đổ. Bộ trưởng Quốc phòng Israel cáo buộc Hamas không nghiêm túc đàm phán, theo đó, kế hoạch quân sự nhằm vào Rafah và các khu vực còn lại ở Gaza sẽ sớm được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo kế hoạch, ngày mai, lực lượng Hamas sẽ vẫn trở lại Cairo để tiếp tục đàm phán, sau khi trở về tham vấn ý kiến chỉ đạo vào tối qua. Giám đốc Cơ quan tình báo Mỹ cũng đã phải tức tốc từ Ai Cập, bay đến Qatar, để phối hợp với Qatar gây áp lực lên cả Israel và Hamas “không từ bỏ đàm phán”.

Trong một diễn biến liên quan, hôm qua, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) cũng đã kêu gọi 57 quốc gia thành viên áp đặt trừng phạt đối với Israel liên quan đến chiến dịch quân sự của nước này tại Dải Gaza. Theo nghị quyết được thông qua cùng ngày tại Hội nghị thượng đỉnh OIC diễn ra ở Gambia, tổ chức này kêu gọi các nước thành viên gây áp lực ngoại giao, chính trị, pháp lý và thực hiện bất kỳ biện pháp răn đe nào nhằm ngăn chặn hành động của Israel, trong đó có cả việc áp đặt các biện pháp trừng phạt cũng như ngăn chặn việc xuất khẩu vũ khí và đạn dược mà quân đội Israel sử dụng tại Gaza. Nghị quyết cũng kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức, lâu dài và vô điều kiện ở dải Gaza.