the_gioi_7_ngay1_aqre.jpg
Ngày 10/7, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi chính thức tuyên bố quân đội nước này đã giành chiến thắng trước tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Mosul, kết thúc chiến dịch hơn 8 tháng và chấm dứt 3 năm IS chiếm giữ thành phố này. Ảnh: Reuters.
Thủ tướng al-Abadi thừa nhận, nhiệm vụ khó khăn trước mắt là ổn định, tái thiết Mosul và loại bỏ các nhóm phiến quân có quan hệ với IS. Thất bại của IS ở Mosul cũng làm dấy lên những quan ngại về khả năng tổ chức khủng bố này “vươn vòi bạch tuộc” sang khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Reuters.
Thông tin tốt lành từ chiến trường Mosul, Iraq đến không lâu sau khi lệnh ngừng bắn ở một số khu vực thuộc Tây Nam Syria chính thức có hiệu lực (ngày 9/7). Đây có thể được coi là một diễn biến tích cực giúp thúc đẩy tìm kiếm giải pháp cho cuộc nội chiến kéo dài hơn 6 năm qua tại quốc gia này. Ảnh: Reuters.
Ghi nhận ban đầu sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực cho thấy, tình hình đã được cải thiện rất nhiều. Điều này được kỳ vọng sẽ mang lại bầu không khí tích cực cho các vòng hòa đàm Syria sắp tới. Ảnh: Reuters.
Nếu như lệnh ngừng bắn ở Syria là kết quả từ sự phối hợp Nga – Mỹ sau cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Donald Trump thì người ta lại thấy sự “lệch pha” giữa hai “ông lớn” này trong vấn đề Ukraine. Ảnh: Getty.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9/7 khẳng định, nước này sẽ không nới lỏng các lệnh trừng phạt Nga chừng nào tình hình tại Ukraine và Syria không được giải quyết. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khi có mặt ở Kiev ngày 9/7 cũng cho rằng, Nga cần phải thực hiện bước đi đầu tiên để giảm leo thang tình hình ở miền đông Ukraine, cụ thể là trong vấn đề ngừng bắn. Ảnh: rferl.
Tranh cãi Nga – Mỹ lên đến đỉnh điểm khi Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 11/7 cho biết, Moscow đang chuẩn bị các phương án trả đũa việc Mỹ trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga và tịch thu 2 khu phức hợp ngoại giao của nước này trong trường hợp phía Mỹ tiếp tục không có động thái gì để trả lại các cơ sở ngoại giao này cho Nga. Ảnh: Sputnik.
Nước Mỹ tuần qua rúng động trước thông tin con trai cả của Tổng thống Mỹ là Donald Trump Jr. đã đồng ý gặp gỡ một luật sư có liên hệ với điện Kremlin trong thời gian diễn ra cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016 sau khi được hứa hẹn sẽ cung cấp thông tin bất lợi cho đối thủ của ông Trump là bà Hillary Clinton. Ảnh: Reuters.
Một ngày sau khi lộ thông tin trên, Trump Jr. đã công khai những email chi tiết việc làm thế nào anh sắp xếp cuộc gặp vào tháng 6/2016 với một luật sư Nga. Trước bê bối mới này, Tổng thống Donald Trump khẳng định con trai của ông là “một người có phẩm chất cao quý” đồng thời cảnh báo truyền thông Mỹ nên tập trung vào những vấn đề khác như kinh tế, cơ sở hạ tầng… Ảnh: Reuters.
Giữa lúc sức ép đang đè nặng lên các thành viên gia đình, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên đường tới thăm Pháp ngày 13/7 và dự lễ diễu binh mừng Quốc khánh Pháp ngày 14/7 theo lời mời của Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron. Ảnh: Reuters.
Tình hình Vùng Vịnh trong tuần qua tiếp tục có những diễn biến căng thẳng bất chấp việc Mỹ và Qatar ngày 11/7 ký một thỏa thuận chống các hoạt động tài trợ khủng bố, cũng như hàng loạt hoạt động ngoại giao con thoi của Ngoại trưởng Mỹ, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ… Ảnh: AP.
Saudi Arabia, Bahrain, Ai Cập và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cho rằng cam kết của chính quyền Doha là không đáng tin cậy, do đó, các lệnh trừng phạt chống Qatar sẽ được duy trì cho đến khi Doha đảm bảo thực hiện một cách toàn diện các yêu cầu chính đáng liên quan đến chống khủng bố và thiết lập ổn định, an ninh trong khu vực. Ảnh: U.S. State Department.