Phó Cục trưởng Cục Lúa gạo, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan, ông Chitnucha Buddhaboon cho biết người nông dân trồng lúa đang ngày càng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do biến đổi khí hậu. Mặc khác, việc tăng gia sản xuất để chạy theo sản lượng mà không quan tâm đến phương thức quản lý bền vững trong nhiều năm qua đã dẫn đến suy thoái môi trường, suy giảm đa dạng sinh học và hệ sinh thái.

Trong bối cảnh đó, ông Chitnucha nhấn mạnh nghề trồng lúa ở Thái Lan cần phải nhanh chóng chuyển đổi phương thức cách tác từ mô hình truyền thống sang mô hình canh tác bền vững, dung hòa các lợi ích xã hội, kinh tế và môi trường.

Chương trình hành động quốc gia về chuyển đổi phương thức canh tác lúa gạo sẽ bao gồm việc thúc đẩy các chính sách quốc gia về nghiên cứu, đổi mới phương thức canh tác theo hướng thân thiện với môi trường. Qua đó, bảo vệ sinh kế của người nông dân trong mọi điều kiện thời tiết, đồng thời hướng đến việc giảm tác động của việc trồng lúa đối với khí hậu và môi trường.

Phó Cục trưởng Cục Lúa gạo Thái Lan cũng cho biết, cơ quan này gần đây giới thiệu 10 giống lúa mới có chất lượng tốt hơn, có thể trồng ở bất kỳ khu vực nào của Thái Lan cũng như có khả năng chống hạn hán, lũ lụt và giảm việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu.

Nằm trong mục tiêu của Chương trình hành động quốc gia này, hàng chục nghìn nông dân Thái Lan sẽ được đào tạo để cải thiện phương pháp quản lý và sản xuất từ nay đến năm 2027. Người nông dân cũng được đào tạo cách tự sản xuất phân trộn tự nhiên và các sản phẩm kiểm soát sinh học, từ đó giảm chi phí canh tác cũng như giảm việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu.

Thái Lan tiếp tục duy trì vị thế là quốc gia xuất khẩu lúa gạo lớn thứ 2 trên thế giới. Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan Charoen Laothamatas, xuất khẩu gạo của nước này trong quý I/2024 đạt 2,46 triệu tấn, tăng 19,4% so với cùng kì năm ngoài. Giá trị xuất khẩu đạt 56,73 tỷ baht (tương đương 1,61 tỷ USD), tăng 49% so với cùng kì năm ngoái.