Quyết định vừa được Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe đưa ra trong bối cảnh tình hình an ninh tại quốc gia Nam Á này đã ‘ổn định’.
Ranil Wickremesinghe áp đặt các biện pháp kiểm soát an ninh chặt chẽ chỉ 4 ngày sau khi người tiền nhiệm là cựu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa rời khỏi đất nước và tuyên bố từ chức hôm 14/7. Ông Rajapaksa phải ra đi vì áp lực từ các cuộc biểu tình của người dân phản đối kéo dài nhiều tháng liền. Cựu Tổng thống Sri Lanka được cho là điều hành đất nước yếu kém, gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại, khiến nước này rơi vào cảnh khan hiếm lương thực, nhiên liệu và thuốc men.
Lệnh Tình trạng khẩn cấp do Tổng thống Wickremesinghe ban bố sẽ hết hiệu lực vào thứ Năm (18/8). Tổng thống Sri Lanka có quyền được kéo dài lệnh này hàng tháng. Các quy định về tình trạng khẩn cấp cho phép quân đội và cảnh sát được bắt giữ và tạm giam các nghi phạm gây rối trong thời gian dài.
Đất nước 22 triệu dân Sri Lanka đang phải vật lộn trong tình trạng thiếu thốn các mặt hàng thiết yếu. Sri Lanka đã cạn kiệt nguồn dự trữ ngoại hối từ cuối năm ngoái, nên không thể nhập khẩu hàng hóa từ bên ngoài. Nước này đã tuyên bố dừng thanh toán khối nợ trị giá 51 tỷ USD từ giữa tháng 4 và hiện đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về các gói cứu trợ.
Sri Lanka còn đang phải đối mặt với tình trạng siêu lạm phát với tỷ lệ đã lên tới 60,8%. Theo các số liệu chính thức, giá các mặt hàng lương thực tại nước này trong tháng 7 đã leo thang tới 90,9%./.