EU đang ngày càng cho thấy sự chia rẽ về cuộc xung đột kéo dài tại Ukraine, với những hậu quả kinh tế và chính trị ngày một rõ rệt.

Thủ tướng Hungary Orban hôm 15/12 đã sử dụng quyền phủ quyết để bác bỏ khoản viện trợ bổ sung trị giá 50 tỷ euro mà Liên minh châu Âu dự định dành cho Ukraine. Đây là một đòn mạnh nữa giáng vào nỗ lực của Tổng thống Ukraine Zelensky nhằm duy trì sự ủng hộ về tài chính của phương Tây. Trước đó, nhà lãnh đạo Ukraine đã thất bại trong việc thuyết phục các nhà lập pháp Mỹ phê duyệt thêm 61 tỷ USD cho nước này, chủ yếu để mua vũ khí từ Mỹ. 

Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, các cuộc đàm phán về vấn đề này sẽ được nối lại vào năm sau: "Tôi muốn nhắc lại một lần nữa rằng tôi cực kỳ tin tưởng và lạc quan rằng chúng ta sẽ có thể thực hiện được lời hứa hỗ trợ Ukraine bằng các phương tiện tài chính. Trong những tuần tới, tôi tin điều đó sẽ sớm được chính thức hóa”.

Việc Liên minh châu Âu nhất trí mở các cuộc đàm phán gia nhập cho Ukraine được coi là một thời điểm quan trọng và là sự đảo ngược đáng kinh tế trong cách tiếp cận với một quốc gia đang trong tình trạng xung đột. Thủ tướng Hungary Orban không phủ quyết các cuộc đàm phán gia nhập EU của Ukraine, nhưng nhất quyết nói “không” với viện trợ dành cho nước này. Bất kỳ quyết định nào của Liên minh châu Âu đều phải nhận được sự tán đồng của toàn bộ 27 quốc gia thành viên. Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh cuối cùng trong năm này của Liên minh châu Âu, nhà lãnh đạo Hungary đã cảnh báo, việc buộc phải đưa ra quyết định về các vấn đề liên quan đến Ukraine có thể phá huỷ sự đoàn kết của khối 27 nước thành viên.

“Lập trường của Chính phủ Hungary là việc thúc đẩy quá nhanh tiến trình gia nhập EU của Ukraine sẽ có những hậu quả khó lượng, không không phục vụ lợi ích cho cả Hungary lẫn Liên minh châu Âu. Tôi phải nói rằng, khi xem xét các con số, phân tích kinh tế và các cuộc đàm phán với Ukraine, chúng tôi thấy rằng nếu coi việc mở  đàm phán gia nhập cho Ukraine là một cử chỉ thiện chí chính trị thì điều này là vô lý và không nghiêm túc vào thời điểm hiện nay. Và chính phủ Hungary không có ý định ủng hộ điều này.”

Ngoài ra, tại hội nghị thượng đỉnh này, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí về gói trừng phạt thứ 12 nhằm vào Nga, trong đó nhằm mục tiêu vào mặt hàng kim cương và thắt chặt việc áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga.

Các nước phương Tây đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt nhằm vào kinh tế Nga kể từ khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2/2022. Tuy nhiên, trong cuộc giao lưu trực tuyến với người dân hôm 14/12, Tổng thống Nga Putin tuyên bố nền kinh tế Nga đã phục hồi sau đợt suy thoái năm 2022 và đang tiến về phía trước.