Nga đang sản xuất khoảng 250.000 quả đạn pháo mỗi tháng, tương đương khoảng 3 triệu quả mỗi năm, trong khi Mỹ và châu Âu chỉ có thể sản xuất khoảng 1,2 triệu quả đạn mỗi năm để gửi cho Ukraine.

Những con số này được đưa ra dựa trên ước tính của giới chức tình báo NATO về sản lượng quốc phòng Nga và theo các quan chức nắm được thông tin về viện trợ quân sự của phương Tây dành cho Ukraine.

Quân đội Mỹ đặt mục tiêu sản xuất 100.000 quả đạn pháo mỗi tháng vào cuối năm 2025, chưa bằng một nửa sản lượng hàng tháng của Nga và thậm chí con số này hiện nằm ngoài tầm với khi khoản viện trợ 60 tỷ USD cho Ukraine bị đình trệ tại Quốc hội.

Nga sản xuất đạn pháo áp đảo Ukraine

“Những gì chúng ta đang đối mặt hiện nay là một cuộc chiến sản xuất. Kết quả ở Ukraine phụ thuộc vào việc mỗi bên được trang bị như thế nào để tiến hành cuộc xung đột này”, một quan chức cấp cao của NATO nói với CNN.

Theo các quan chức phương Tây, Nga hiện đang bắn khoảng 10.000 quả đạn mỗi ngày, trong khi Ukraine chỉ có thể bắn 2.000 quả đạn/ngày. Tỷ lệ này còn tồi tệ hơn ở một số nơi dọc chiến tuyến dài 1.000km.

Sự thiếu hụt xảy ra vào thời điểm mong manh nhất đối với Ukraine kể từ khi xung đột với Nga nổ ra vào tháng 2/2022. Nguồn tài chính của Mỹ để trang bị vũ khí cho Ukraine đã cạn kiệt và nhiều nghị sỹ đảng Cộng hòa tại Quốc hội phản đối viện trợ thêm. Trong khi đó, Nga gần đây đã chiếm được thành phố Avdiivka và được đánh giá là đang nắm thế chủ động trên chiến trường. Ukraine đang gặp khó khăn không chỉ về đạn dược mà còn thiếu nhân lực trầm trọng ở tiền tuyến.

Mỹ và các đồng minh đã cung cấp cho Ukraine nhiều hệ thống vũ khí hiện đại, bao gồm xe tăng M-1 Abrams và sắp tới là máy bay chiến đấu F-16. Tuy nhiên, các nhà phân tích quân sự cho rằng cuộc xung đột chỉ có thể phân định thắng thua tùy thuộc vào việc bên nào bắn nhiều đạn pháo hơn.

“Nga thực sự đang có lợi thế lớn trong sản xuất và nhờ đó họ có lợi thế đáng kể trên chiến trường”, quan chức NATO cho biết.

Nga đang vận hành các nhà máy sản xuất đạn pháo 24/7 theo ca luân phiên 12 giờ. Khoảng 3,5 triệu lao động Nga đang làm việc trong lĩnh vực quốc phòng, tăng đáng kể so với khoảng 2-2,5 triệu lao động trước xung đột.

Quan chức cấp cao của NATO cũng cho biết Nga đang sản xuất từ ​​115 đến 130 tên lửa tầm xa và 300 đến 350 máy bay không người lái tấn công. Quan chức này lưu ý, mặc dù trước xung đột, Nga có kho dự trữ hàng nghìn tên lửa tầm xa trong kho vũ khí của mình nhưng hiện nay con số này chỉ ở mức khoảng 700 tên lửa.

Quân đội Nga gần đây đã tập trung những vũ khí đó để sử dụng với số lượng lớn nhằm áp đảo hệ thống phòng thủ tên lửa của Ukraine. Nga cũng đã bổ sung bằng cách tăng cường sử dụng máy bay không người lái, triển khai số lượng máy bay không người lái trung bình mỗi tháng nhiều gấp 4 lần so với mùa Đông năm ngoái.

“Ngành công nghiệp quốc phòng của Nga đang hoạt động hết công suất”, quan chức NATO cho biết thêm.

Nếu Tổng thống Joe Biden kích hoạt Đạo luật Sản xuất Quốc phòng, Mỹ cũng có thể đạt được mức sản xuất tương đương với Nga. Đạo luật này trao cho tổng thống Mỹ quyền ra lệnh cho các công ty nhanh chóng sản xuất thiết bị quốc phòng.

Mỹ và châu Âu không thể bắt kịp

Theo các quan chức Mỹ và phương Tây, việc tăng cường sản xuất của Nga vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của nước này. Mặt khác, năng lực sản xuất của Nga cũng có giới hạn và các nhà máy của họ có thể sẽ đạt đỉnh điểm vào năm 2025. Dù vậy, Nga vẫn vượt xa những gì Mỹ và châu Âu đang sản xuất cho Ukraine - đặc biệt là khi không có thêm nguồn tài trợ của Mỹ.

Khi nguồn tiền cho viện trợ vẫn còn, Mỹ đã mở rộng sản xuất đạn pháo ở Pennsylvania, Iowa và Texas. Trong bối cảnh gói viện trợ bổ sung cho Ukraine gặp bế tắc ở Quốc hội, việc chuyển thêm đạn pháo cho Kiev gặp nhiều khó khăn.

Các quốc gia châu Âu đang cố gắng bù lại đắp sự thiếu hụt cho Ukraine. Tháng trước, một công ty quốc phòng của Đức thông báo kế hoạch mở một nhà máy sản xuất đạn dược ở Ukraine sẽ sản xuất hàng trăm nghìn quả đạn cỡ nòng 155 mm mỗi năm. Tại Đức, công ty này cũng đã khởi công một nhà máy mới dự kiến sản xuất khoảng 200.000 quả đạn pháo mỗi năm.

Các quan chức Mỹ và châu Âu cho rằng, mặc dù Nga đã có thể khởi động lại các dây chuyền sản xuất của mình, nhưng các nước phương Tây cuối cùng sẽ bắt kịp và sản xuất thiết bị tốt hơn.

Trung tướng Steven Basham, Phó Tư lệnh lực lượng Mỹ tại châu Âu cho hay: “Nếu Nga thực sự có thể kiểm soát nền kinh tế, họ có thể tiến nhanh hơn một chút so với các quốc gia khác. Tuy nhiên, phương Tây có sức mạnh bền vững hơn và chỉ mới bắt đầu tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng để bổ sung khả năng đạn dược cần thiết”.

Nga đánh vào huyết mạch quốc phòng Ukraine

Không chỉ gia tăng sản xuất đạn pháo cùng nhiều khí tài khác để đảm bảo lợi thế trong cuộc chiến tiêu hao, Nga gần đây còn đánh vào huyết mạch quốc phòng Ukraine nhằm suy yếu năng lực đối phó của Kiev.

Trong bối cảnh Mỹ và châu Âu cắt giảm viện trợ quân sự, Ukraine đã tăng cường nỗ lực sản xuất quốc phòng trong nước để đảm bảo nguồn cung ổn định và bớt phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài.

Tuy nhiên, các cơ sở công nghiệp quốc phòng của Ukraine liên tiếp trở thành mục tiêu của Nga trong các cuộc tấn công bằng vũ khí tầm xa kể từ cuối năm 2023.

Chiến lược này của Nga trái ngược với các đợt tập kích quy mô lớn vào mùa đông năm 2022, khi đó Nga chỉ tập trung vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.

“Trước đây Nga nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của Ukraine. Hiện nay, Nga đã chuyển trọng tâm sang cơ sở công nghiệp quốc phòng của Ukraine”, quan chức NATO thừa nhận.

Giới phân tích cho rằng, mục tiêu cuối cùng của Nga là khiến Ukraine kiệt quệ tiềm lực quốc phòng. Chiến thuật của Nga được triển khai vào thời điểm viện trợ phương Tây cho Kiev dần trở nên nhỏ giọt. Điều này có thể dẫn tới kịch bản Ukraine sẽ không còn khả năng phòng thủ.

Trong khi Ukraine vẫn ra sức kêu gọi các đồng minh phương Tây đáp trả các cuộc tấn công của Nga bằng cách đẩy nhanh việc cung cấp thiết bị phòng không, máy bay không người lái và tên lửa tầm xa thì gói viện trợ quân sự quan trọng của Mỹ dành cho Kiev vẫn tiếp tục bị đình trệ.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ, Ukraine vẫn đang học cách thích nghi với các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa ngày càng gia tăng của Moscow, nhưng rõ ràng, Kiev cần phải sớm nhận được viện trợ, bởi nếu không thì họ sẽ khó lòng trụ vững trước các cuộc tấn công của Nga.