Bước ngoặt lớn cho Ukraine trong vấn đề nhân lực quân sự

Quốc hội Ukraine hôm 8/5/2024 đã thông qua một dự luật cho phép một bộ phận tù nhân được gia nhập quân đội để đổi lấy khả năng được tha bổng có điều kiện khi kết thúc thời kỳ phục vụ trong quân ngũ. Đây là động thái của Ukraine nhằm bổ sung người cho quân đội Ukraine đang bị thiếu nhân lực nghiêm trọng sau hơn 2 năm xung đột vũ trang với Nga - lực lượng đang tiếp tục giành lợi thế trên chiến trường.

Sự kiện 8/5 đánh dấu bước ngoặt lớn trong cách tiếp cận của Ukraine đối với vấn đề nhân lực là tù nhân.

Nghị sĩ Olena Shuliak - thủ lĩnh đảng Phục vụ Nhân dân của Tổng thống Ukraine Zelensky, nói: “Dự luật này mở ra khả năng để một số đối tượng tù nhân muốn bảo vệ đất nước có thể gia nhập lực lượng quốc phòng”.

Các nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ dự luật với tỷ lệ áp đảo: 279 phiếu thông qua, 11 phiếu trắng và không có phiếu chống.

Oleksiy Honcharenko - nghị sĩ của đảng đối lập Đoàn kết châu Âu trong quốc hội Ukraine, phát biểu sau cuộc bỏ phiếu: “Chúng tôi cần có người ở chiến hào. Nếu doanh nhân và nghệ sĩ ra trận được thì những người ăn cắp, những người phạm tội nhẹ sao lại không được tham gia?”.

Tuy vậy, dự luật này vẫn sẽ cần thêm chữ ký của Chủ tịch Quốc hội Ukraine cũng như Tổng thống Ukraine để có hiệu lực thi hành. Hiện chưa rõ ông Zelensky có sẵn lòng ký ban hành thành luật hay không.

Việc thông qua nói trên là sự kiện mới nhất trong chuỗi các nỗ lực gần đây của chính quyền Ukraine nhằm củng cố đội ngũ binh sĩ đã kiệt sức và suy giảm của mình. Tháng 4/2024, Ukraine cũng đã ký ban hành luật hạ tuổi nghĩa vụ quân sự từ 27 xuống 25.

Diện đối tượng tù nhân được tham gia quân đội

Việc huy động vào quân ngũ như thế này chỉ dành cho một số nhóm tù nhân Ukraine nhất định. Những tù nhân không đủ tiêu chuẩn gia nhập quân đội Ukraine gồm những người phạm tội hiếp dâm, giết từ 2 người trở lên, tham nhũng nặng và các quan chức cấp cao cũ, theo bà Shuliak. Một số nghị sĩ nói rằng một số trường hợp ngộ sát có thể được cân nhắc.

Nghị sĩ Shuliak cho hay, quyết định huy động và tạm tha một tù nhân nào đó sẽ do tòa án thực hiện với điều kiện tù nhân cũng sẵn lòng tòng quân.

Bà Shuliak cũng nói với một hãng truyền thông Ukraine rằng chỉ những tù nhân còn 3 năm ngồi tù mới được phép tham gia chương trình tòng quân kiểu này.

Thủ lĩnh đảng Phục vụ Nhân dân cũng cho biết, những tù nhân được động viên vào quân đội sẽ chỉ được tạm tha có điều kiện chứ không phải là ân xá.

Những tù nhân Ukraine nhập ngũ sẽ được dồn vào các “đơn vị đặc biệt” trong thời kỳ thiết quân luật, nghĩa là họ sẽ không được giải ngũ cho tới khi kết thúc xung đột vũ trang với Nga.

Nước Nga thời Putin cải cách ra sao và thách thức phương Tây như thế nào?

VOV.VN - Phương Tây hy vọng nước Nga thời Putin sẽ sụp đổ dưới các lệnh trừng phạt hà khắc cũng như trong chiến sự khốc liệt ở Ukraine. Nhưng thực tế lại khác hẳn. Nga vẫn đứng vững về cả quân sự và kinh tế, thậm chí còn tăng trưởng mạnh. Những cải cách sâu rộng do Tổng thống Putin tiến hành đã tạo ra thách thức lớn cho phương Tây.

Tác động lên năng lực quốc phòng của Ukraine

Thủ lĩnh Shuliak viết trên mạng xã hội: “Cách duy nhất để tồn tại được trong một cuộc chiến tổng lực với đối thủ có nguồn lực lớn hơn là phải củng cố tất cả các lực lượng. Dự luật này liên quan cuộc đấu tranh của chúng tôi và nhằm bảo tồn nhà nước Ukraine”.

Bản thân đương kim Tổng thống Ukraine Zelensky hồi tháng 2 thừa nhận rằng 31.000 quân nhân Ukraine đã tử trận tính từ khi nổ ra xung đột với Nga. Con số này thấp hơn nhiều so với ước tính của giới chức Mỹ. Vào mùa hè năm 2023, các quan chức Mỹ tính toán rằng gần 70.000 lính Ukraine đã tử vong do giao tranh với Nga.

Khi chiến sự tiếp diễn, Ukraine vật lộn tuyển thêm tân binh cho quân đội. Tướng Yurii Sodol - tư lệnh quân Ukraine ở miền Đông, nói với quốc hội nước này vào tháng 4 rằng ở một số khu vực của mặt trận, lính Nga đông hơn hẳn lính Ukraine với tỷ lệ 7:1.

Theo một số nghị sĩ, dự luật được thông qua hôm 8/5 được xây dựng nhằm giải quyết tình trạng thiếu quân.

Truyền thông Ukraine dẫn lời David Arakhamia - thủ lĩnh của nhóm đảng cầm quyền trong Quốc hội Ukraine, cho biết dự luật này nếu được thực thi sẽ động viên khoảng 15.000 - 20.000 phạm nhân vào lực lượng vũ trang nước này.

Trên thực tế, Thibault Fouillet - Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược và phòng thủ tại Pháp, cho biết trong Thế chiến II, cả Liên Xô và Đức Quốc xã đều gọi tù nhân vào quân ngũ.

Ông Fouillet nói: “ Đây là thực tế thời chiến, cả trong những cuộc chiến tranh lớn lẫn nội chiến… Tuy nhiên, đây thường là những giải pháp mang tính tạm thời, chỉ thực hiện khi khan hiếm nhân lực”.

Quyết định để phạm nhân gia nhập quân đội Ukraine có thể gây tranh cãi trong xã hội nước này. Trước đó Tổng thống Zelensky cũng đã trì hoãn việc ký luật hạ tuổi gọi nghĩa vụ quân sự trong nhiều tháng, nên lần này có lẽ ông cũng sẽ chần chừ về việc ký ban hành luật gọi nhập ngũ đối với tù nhân.

Tổ chức Bảo vệ tù nhân Ukraine là bên vận động cho giải pháp tuyển tù nhân vào quân đội nhưng lại thất vọng về ngôn từ được sử dụng trong dự luật. Oleg Tsvily - người đứng đầu tổ chức phi chính phủ này nói: “Chúng tôi ủng hộ ý tưởng của dự luật nhưng văn bản trong đó lại mang tính phân biệt đối xử”. Ông này giải thích thêm: “Họ bỏ đi phần nghỉ phép cho các tù nhân tham chiến. Chúng tôi không biết liệu điều đó có phải là họ sẽ phải chiến đấu tới khi chiến tranh kết thúc hay không, vì nếu như thế thì thời gian phục vụ quân ngũ có thể kéo dài hơn cả bản án của họ”.

Ngoài ra, ông Tsvily lo sợ việc lập các “đơn vị đặc biệt” dành riêng cho các tù nhân quân nhân này có thể dẫn tới tình trạng lạm dụng tù nhân.

Xem thêm:

>> Những nét chính trong bài phát biểu 8 phút của ông Putin nhân Ngày Chiến thắng

>> Lò lửa pháo đài miền Đông Ukraine rực cháy, Nga quyết hạ Chasov Yar

>> Thế bí khó gỡ của Ukraine trong việc tuyển quân