Tình báo Ukraine nhận định Nga có thể sẽ dùng hạt nhân chiến thuật

Ngay sau khi Ukraine phản công và tái chiếm một bộ phận đáng kể lãnh thổ ở miền Đông, Tổng thống Nga Putin ban hành lệnh “động viên một phần lực lượng dự bị” để bổ sung cho cuộc chiến ở Ukraine. Kế đó, vũ khí hạt nhân cũng được Nga đề cập nhiều.

Phó Chỉ huy tình báo Ukraine Vadym Skibitsky nhận định với tờ Guardian: “Họ có khả năng sẽ tấn công các mục tiêu dọc theo tiền tuyến nơi có nhiều quân nhân, thiết bị, trung tâm chỉ huy trọng yếu và cơ sở hạ tầng quan trọng. Để ngăn cản Nga, chúng tôi cần không chỉ thêm các hệ thống phòng không mà còn cả hệ thống phòng thủ tên lửa. Nhưng mọi thứ sẽ dựa vào cách thức tình hình diễn biến trên chiến trường”.

Giới chức Ukraine đã gửi tín hiệu khẳng định họ không sợ một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân. Một quan chức cấp cao của châu Âu cho biết: “Dù thế nào họ cũng sẽ không ngừng chiến đấu. Đó là những gì họ nói với chúng tôi”. Theo quan chức này, phía Ukraine đã bóng gió về khả năng họ sẽ đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân bằng cách gia tăng hoạt động quân sự nhằm vào chính lãnh thổ Nga. “Hiện tại, Ukraine đang khá dè dặt về tấn công các mục tiêu trên đất Nga”.

Mặc dù vậy, phương Tây vẫn cảm thấy lo ngại cho Ukraine. Họ cho rằng khi Ukraine làm điều đó, phía Nga sẽ gia tăng quyết tâm thay đổi tình thế.

Biện pháp đối phó của Ukraine

Nếu Ukraine quyết định đưa cuộc chiến sang thêm nhiều phần lãnh thổ của Nga thì đây sẽ là bước ngoặt mới đối với Kiev, khi các chiến dịch thời gian qua của họ chủ yếu tập trung vào các kho tiếp tế của Nga gần vùng chiến sự.

Lập luận của Ukraine là Nga không có lực lượng quy ước để bảo vệ các vùng trên, do vậy, một cuộc phản công của Ukraine sẽ đẩy Nga vào thế khó.

Quan chức cấp cao của Ukraine nói: “Không có các tuyến phòng thủ mạnh trên đất Nga do họ tính toán rằng người Ukraine sẽ không tiến vào đó. Do vậy, nếu Nga tính toán rằng mình có thể bắt đầu các cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật nhằm vào Ukraine thì phía Ukraine sẽ đáp trả bằng cách mở rộng chiến sự sang đất Nga”.

Một phần nỗi sợ từ phía EU là quan niệm cho rằng Nga theo đuổi học thuyết “leo thang để giảm leo thang”, tức là họ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân tương đối nhỏ để hủy diệt lực lượng đối nghịch và giành chiến thắng trong cuộc chiến. Khi đối mặt một cuộc tấn công như vậy, một cuộc phản công quy ước ở nơi nào đó trong lãnh thổ Nga sẽ là một cách để che chắn cho lực lượng Ukraine trong tầm ngắm của lực lượng hạt nhân Nga.

Quan chức châu Âu phân tích: “Chiến sự mà xảy ra trên đất của bạn thì bạn sẽ rất ngại sử dụng vũ khí hạt nhân”.

Phản ứng của NATO và Mỹ

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda thì lại hạ thấp nguy cơ tấn công hạt nhân khi ông nhấn mạnh đến “tất cả các điều cấm kỵ” ngăn cản việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Ông Duda lưu ý rằng để tấn công hạt nhân, Nga sẽ cần không chỉ sự phê chuẩn của Tổng thống Putin mà còn sự ủng hộ của giới thân cận xung quanh ông Putin và những người đưa ra quyết định ở nước Nga.

Nhưng mặt khác, giới chức Ba Lan cũng cảnh báo rằng khối quân sự NATO cần chuẩn bị cho phương án trả đũa Nga nếu Nga tấn công hạt nhân dù rằng Ukraine chưa phải là thành viên của NATO.

Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau nói với NBC: “Theo những gì tôi được biết, ông Putin đang đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trên đất Ukraine, chứ không phải là tấn công NATO, nên NATO sẽ phải phản ứng theo cách thông thường. Nhưng sự phản ứng đó cần phải ở mức độ tàn phá dữ dội. Tôi cho rằng phản ứng như thế sẽ là thông điệp rõ ràng mà liên minh NATO gửi cho Nga vào lúc này”.

Mỹ và đồng minh muốn ngăn cản Nga hình thành suy nghĩ cho rằng mình có thể mở các cuộc tấn công vào các nước không sở hữu vũ khí hạt nhân

Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden cũng đã cảnh báo Nga sẽ đối diện các hậu quả “thảm khốc” nếu sử dụng vũ khí hạt nhân mặc dù họ chưa công bố chi tiết về cách phản ứng của mình.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price hôm 28/9 phát biểu: “Điều chúng tôi nhấn mạnh cả công khai lẫn riêng với người Nga là hậu quả sẽ có thật và rất đặc biệt”.

Quan chức cấp cao châu Âu nhận định Ukraine đang rất quyết tâm chiến đấu bất chấp thách thức từ vũ khí hạt nhân của Nga.

Tuy nhiên, nhân vật này cũng cảnh báo rằng uy lực của vũ khí hạt nhân chiến thuật vẫn rất khủng khiếp.

Nga kiên định mục tiêu, gia tăng hoạt động tình báo để hỗ trợ mặt trận quân sự

Thời gian qua, liên quan đến cuộc chiến Ukraine, Tổng thống Putin và giới quan chức cấp cao Nga đã nhiều lần cảnh báo về khả năng Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân.

Hôm 30/9, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine vẫn tiếp tục với mục tiêu không thay đổi. Ông Peskov cáo buộc Kiev không sẵn sàng đàm phán và đã bỏ hoàn toàn lộ trình đàm phán.

Trong khi đó, hãng thông tấn Nga TASS dẫn lời Giám đốc cơ quan tình báo đối ngoại Nga SVR, Sergey Naryshkin, ngày 30/9 cho biết cơ quan này bắt đầu tập trung thu thập thông tin cần thiết cho chiến dịch quân sự ở Ukraine, hỗ trợ cho quân nhân Nga trên chiến trường.

Cụ thể, ông Naryshkin nói như sau: “Nhiệm vụ của tình báo đối ngoại là thu thập thông tin thiết yếu đối với ban lãnh đạo chính trị cấp cao trong việc đưa ra các quyết định đối ngoại quan trọng nhất. Nhiệm vụ này vẫn liên quan đến khủng hoảng trên lãnh thổ Ukraine. Nhưng chúng tôi đang có những điều chỉnh nhất định đối với công tác của mình. Ngoài thu thập thông tin chiến lược, chúng tôi còn tập trung vào thông tin cấp chiến dịch và cấp chiến thuật để giúp quân đội chúng tôi giành chiến thắng trên chiến trường”./.