Đằng sau thách thức thiếu vắng Nga, Trung Quốc

Trước ngày Hội nghị Thượng đỉnh G20 khai mạc tại thủ đô New Delhi, nước chủ nhà Ấn Độ nhận được tin kém vui: Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ không tham dự sự kiện quan trọng nhất trong năm của nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới này.

Phía Nga sẽ cử Ngoại trưởng Sergei Lavrov dự Thượng đỉnh G20, trong khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường sẽ đại diện cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tại G20. Hai vị nguyên thủ này đều có những lý do riêng cho quyết định của mình. Phía Nga thì vẫn đang tập trung vào cuộc xung đột tại Ukraine và muốn tránh các diễn đàn quốc tế nơi họ có thể bị chỉ trích hoặc lên án. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc có thể vắng mặt vì nước này vẫn đang có khúc mắc với nước chủ nhà G20 Ấn Độ liên quan tới các tranh chấp lãnh thổ.

Đây có thể sẽ là hai sự vắng mặt đáng tiếc với G20 năm nay khi chương trình nghị sự đầy tham vọng của chủ nhà Ấn Độ đòi hỏi sự tham gia của tất cả các thành viên. Và dư luận cũng đã đặt ra câu hỏi rằng liệu những động thái này có ảnh hưởng tới kết quả và vai trò của G20 hay không.

Thực tế, G20 là tập hợp của các nước công nghiệp phát triển giàu có và các đối tác đang phát triển mới nổi, đại diện cho phần còn lại của thế giới. Nếu nhìn vào các con số thống kê, có thể thấy vai trò của G20 lớn như thế nào. 19 quốc gia của khối cùng Liên minh châu Âu chiếm tới 85% tổng GDP toàn cầu, hơn 75% trao đổi thương mại của thế giới, gần 2/3 dân số có mặt trên hành tinh này.

Diễn đàn này là nơi để các nhà lãnh đạo thế giới bàn bạc các vấn đề vĩ mô toàn cầu có ảnh hưởng tới nhân loại trước mắt và lâu dài. Các vấn đề này vốn đòi hỏi những quyết định ở cấp cao nhất và sự đoàn kết trong hành động của nhóm các đầu tàu tăng trưởng toàn cầu. Vậy nên, sự vắng mặt này chắc chắn cũng sẽ đặt ra dấu hỏi về sự đoàn kết của G20. Người ta có thể đặt ra câu hỏi rằng liệu các quốc gia G20 có vượt qua được những bất đồng bên ngoài để tìm ra được đường lối chung cho thế giới hay không.

Việc lãnh đạo hai cường quốc mới nổi hàng đầu thế giới là Nga và Trung Quốc không tham dự Thượng đỉnh G20 cũng không hẳn sẽ giúp phương Tây áp đặt ảnh hưởng lên chương trình nghị sự toàn cầu. Tác động của việc này sẽ là hình ảnh của G20 sẽ bị suy giảm bởi những khúc mắc giữa các quốc gia thành viên. Thách thức với G20 vào lúc này là làm sao để luôn duy trì vị thế là tập hợp lớn nhất, đại diện cho lợi ích toàn cầu. Các quyết định của G20 một khi được ban hành cũng có thể bị nghi ngờ về giá trị bởi dư luận nhìn vào sự vắng mặt của Trung Quốc hay Nga – hai cường quốc có mặt trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc như một sự thiếu đảm bảo trong tương lai.  

Vì sao Ấn Độ lựa chọn vấn đề khí hậu và khủng hoảng nợ?

Ấn Độ, quốc gia chủ tịch của G20 năm 2023 dành nhiều công sức cho chương trình nghị sự của khối trong năm nay. Ngay từ đầu nhiệm kỳ của mình, Ấn Độ đã lựa chọn chủ đề của năm G20 2023 là "Vasudhaiva Kutumbakam" theo tiếng Sanskrit, có nghĩa "Thế giới này là một Gia đình”. Một cụm từ để nhắc nhở chúng ta rằng thế giới này tồn tại trong một tổng thể, bất cứ quốc gia, dân tộc nào cũng có kết nối với nhau về vận mệnh. Trong cả năm 2023, Ấn Độ đã triển khai rất nhiều cuộc họp, bao trùm trên hầu hết các lĩnh vực phát triển của thế giới hiện nay. Tuy nhiên, diễn đàn G20 năm nay và Hội nghị Thượng đỉnh trong tuần này sẽ tập trung vào 2 chủ đề lớn.

Đó là gánh nặng về nợ với thế giới và biến đổi khí hậu. Đây là hai vấn đề lớn nhất đang đeo bám thế giới, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19 cũng như là hệ quả từ cuộc xung đột Ukraine. Ví dụ điển hình là các nước láng giềng của Ấn Độ như Sri Lanka, Pakistan và Bangladesh phải kêu gọi sự hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong nhiều tháng qua do chi phí đi vay gia tăng. Chính bởi vậy, New Delhi muốn đặt việc giảm nợ lên hàng đầu trong các cuộc thảo luận tại G20 trong năm nay. 

Ấn Độ cũng ủng hộ các nỗ lực thúc đẩy của IMF, Ngân hàng Thế giới (WB) và Mỹ đối với cái gọi là Khuôn khổ chung (CF) - một sáng kiến ​​G20 được đưa ra vào năm 2020 nhằm giúp các nước nghèo trì hoãn việc trả nợ; sau đó được mở rộng để bao gồm cả các nước có thu nhập trung bình. Đối với Ấn Độ, một ưu tiên khác là thống nhất các quy tắc toàn cầu về tiền điện tử. Thống đốc Ngân hàng trung ương Ấn Độ cho biết năm ngoái tiền điện tử là “mối đe dọa lớn” đối với sự ổn định kinh tế và tài chính” và một số quan chức nước này thậm chí còn kêu gọi lệnh cấm với loại tiền tệ này.

Trong khi đó, biến đổi khí hậu – vấn đề toàn cầu ngày càng cấp thiết cũng được Ấn Độ thúc đẩy trong suốt năm Chủ tịch của mình. Trước hết bởi nó gắn với sinh kế và số phận của khoảng 3,6 tỷ người trên thế giới đang sống trong tình cảnh dễ bị tổn thương do khí hậu. Hầu hết số người này đang sinh sống tại các nước đang phát triển, hay khối Nam bán cầu. Bất bình đẳng, năng lực giải quyết thách thức yếu và nguồn lực tài chính hạn chế cộng với những thách thức phát triển hiện tại đã hạn chế khả năng giảm thiểu và thích ứng với những rủi ro khí hậu tại khu vực này.

Cần chú ý một điểm, những vấn đề Ấn Độ nêu ra có một sự tương đồng với lợi ích và những vấn đề tại các nước Nam bán cầu, những quốc gia đang phát triển vốn chịu nhiều yếu thế. Đây là cách để Ấn Độ tập hợp sự ủng hộ quốc tế, nâng tầm vị thế quốc gia của chính mình trong thế giới hiện nay.

G20 và vấn đề Ukraine

Kịch bản các hội nghị G20 kết thúc mà không ra được thông cáo chung đã từng xảy ra trong năm 2023 do những bất đồng giữa các nước thành viên. Cụ thể là tại hai hội nghị của các bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 do Ấn Độ chủ trì. Ngoài các lý do bất đồng về chi tiết kỹ thuật, các căng thẳng, mâu thuẫn địa chính trị toàn cầu cũng là nguyên nhân khiến các quan chức G20 không dàn xếp được khác biệt, tìm ra tiếng nói chung. Dễ thấy Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới tại New Delhi cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ này khi khủng hoảng tại Ukraine vẫn đang tiếp diễn hay đối đầu chiến lược Mỹ Trung vẫn chưa có dấu hiệu được hóa giải.

Trước khi tới Ấn Độ dự Thượng đỉnh G20, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói nước này sẽ chặn tuyên bố chung của hội nghị sắp tới nếu nó không bao gồm quan điểm của Moscow về xung đột Ukraine. Đây chỉ là một trong các dấu hiệu cho thấy những khó khăn sẽ ngáng trở G20 tìm được sự đồng thuận chung.

Dĩ nhiên, trong các cuộc họp cuối cùng ở cấp cao, các nước thành viên sẽ cố gắng để đạt được nhượng bộ trong tổng thể tất cả các vấn đề để hội nghị kết thúc thành công. Tuy nhiên, kịch bản xấu nhất cũng sẽ phải được tính tới trong trường hợp các lãnh đạo G20 không cân bằng được các lợi ích.