Mùa đông đã bắt đầu ở Ukraine nhưng các cuộc không kích của Nga không có dấu hiệu sẽ dừng lại. Thậm chí, điện Kremlin còn tăng cường các cuộc tấn công vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine trong khi Kiev khẳng định quyết tâm giành lại các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát ở phía Đông và phía Nam.
Trong khi đó, phương Tây tiếp tục tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Mới đây, chính phủ Mỹ đã thông báo về gói hỗ trợ vũ khí sát thương mới trị giá 400 triệu USD cho Ukraine trong đó bao gồm các vũ khí phòng không mà Kiev đang cần.
Mùa đông đóng vai trò thế nào trong cuộc xung đột ở Ukraine?
Khi cuộc xung đột ở Ukraine bước sang tháng thứ 10, giới quan sát dự đoán nhịp độ giao tranh giảm dần do điều kiện thời tiết mùa đông khắc nghiệt sẽ cản trở các cuộc tiến công của quân đội hai bên. Mặc dù Ukraine tuyên bố đã phản công thành công ở một số khu vực nhưng Nga hiện vẫn kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ của Ukraine, bao gồm phần lớn khu vực ở phía Đông Ukraine như các tỉnh Donetsk, Lugansk và Bán đảo Crimea.
Theo Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách chính sách Colin Kahl nhận định hồi tuần trước, "thời tiết ẩm ướt ở Ukraine" với điều kiện bùn lầy sẽ khiến cả hai bên khó có thể tiến hành các chiến dịch tấn công quy mô lớn.
"Tôi nghĩ thách thức sẽ ngày càng lớn trong những tuần tới, vì thế chúng ta phải xem liệu điều đó có khiến giao tranh chậm lại hay không", Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ nhận định với báo giới.
Theo Lầu Năm Góc, để chuẩn bị cho mùa đông khắc nghiệt phía trước, Mỹ đang cung cấp cho Ukraine các thiết bị giữ ấm cùng máy phát điện và lều trại.
Ukraine sẽ đối phó với mùa đông như thế nào?
Ukraine đang cố gắng ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga nhằm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng. Chỉ riêng trong ngày 14/11, ước tính Nga đã phóng 60 - 100 quả tên lửa nhằm vào các thành phố của Ukraine.
Cuộc tấn công vào mạng lưới điện của Ukraine tuần trước cũng gây tổn thất lớn cho nước này khi không có nhà máy nhiệt điện và nhà máy thủy điện nào còn nguyên vẹn, người đứng đầu Ukrenergo, công ty điện thuộc sở hữu nhà nước của Ukraine cho hay.
Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine ngày 23/11 thông báo, các cuộc tấn công của điện Kremlin khiến phần lớn người dân nước này không có điện sử dụng.
Mặc dù Ukraine lên kế hoạch cắt điện luân phiên để dự trữ năng lượng nhưng người dân Ukraine dự kiến sẽ phải chịu đựng một mùa đông khó khăn và 2 - 3 triệu người có thể phải rời đi trong những tháng tới do thời tiết lạnh giá, Hans Henri P. Kluge, giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Âu nhận định.
Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ dự đoán tuần trước rằng, với việc mùa đông đang đến gần, "các gia đình ở Ukraine không có điện và nghiêm trọng hơn là sẽ không có khí đốt".
Nga có thể giành quyền kiểm soát khu vực ở phía Đông?
Nga đang tăng cường tấn công vào các thành phố Avdiivka và Bakhmut ở phía Đông Ukraine những tuần qua, khiến Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gọi tình hình tại đây là "địa ngục".
Giao tranh có xu hướng diễn ra ngày càng ác liệt. Các cuộc nã pháo leo thang ở khu vực Donetsk tuần qua trong khi các nhà quan sát cho biết Nga có thể sẽ điều thêm quân đội và vũ khí tới phía Đông Ukraine sau khi rút quân khỏi khu vực Kherson ở phía Nam.
"Đối phương không ngừng nã pháo vào các vị trí của quân đội chúng tôi gần giới tuyến", Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Ukraine cho hay ngày 22/11.
"Họ tiếp tục tấn công vào các có sở hạ tầng quan trọng. Theo hướng Bakhmut và Avdiivka, đối phương đang tăng cường các hành động quân sự".
Mới đây, ngày 26/11, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết nước này đã đẩy lùi cuộc phản công của quân đội Ukraine ở Donetsk, gây thương vong cho 70 binh lính Ukraine, phá hủy 3 xe tăng và 2 xe bọc thép của đối phương.
Nếu Ukraine mất Bakhmut, điều đó sẽ cho phép Nga tiến vào các thành phố quan trọng khác ở Donetsk, một trong 4 khu vực ở Ukraine mà Moscow sáp nhập vào cuối tháng 9.
Nga đang có một vài lực chọn để tăng cường lực lượng ở đây, với hơn 20.000 binh lính vừa rút khỏi Kherson và khoảng gần 200.000 lính dự bị động viên được huy động để chiến đấu trong những tháng sắp tới.
Đã hơn 2 tháng kể từ khi Tổng thống Putin ra lệnh động viên một phần, huy động khoảng 300.000 binh lính trong xung đột ở Ukraine, Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho biết, các nhóm đầu tiên của lực lượng này đã được huấn luyện và được điều tới các khu vực Nga vừa sáp nhập như Zaporizhzhia, Lugansk và Donetsk.
"Nga sẽ tiếp tục sử dụng các lực lượng mới được huy động và triển khai để tiến hành các chiến dịch tấn công ở Donetsk và duy trì các vị trí phòng thủ ở Lugansk", Viện Nghiên cứu Chiến tranh nhận định.
Liệu Nga và Ukraine có ngồi vào bàn đàm phán?
Giữa bối cảnh chiến sự diễn ra ác liệt ở Ukraine, Mỹ và phương Tây đang thúc đẩy Kiev thể hiện lập trường sẵn sàng đàm phán với Moscow. Đầu tháng này, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Milley cho biết, có một cánh cửa đàm phán để chấm dứt chiến tranh. Dù vậy, ông cho rằng, khả năng chiến thắng của Ukraine trong các cuộc tiến công nhằm đẩy lùi các lực lượng của Nga khỏi lãnh thổ "không cao".
Những bình luận trên được đưa ra 1 tuần sau khi ông Milley nhận định rằng, Nga và Ukraine nên chấp nhận thực tế chiến thắng quân sự là điều khó có khả năng xảy ra và hai bên cần ngồi vào bàn đàm phán để chấm dứt chiến tranh.
"Khi có cơ hội đàm phán, khi hòa bình có thể đạt được, hãy nắm bắt điều đó", ông Milley nhận định.
Dù vậy, Nhà Trắng nhấn mạnh Washington không cố gắng gây sức ép để Ukraine đàm phán với Nga hay từ bỏ lãnh thổ. Tổng thống Zelensky sẽ là người "quyết định liệu có đàm phán với Nga hay không và khi nào điều đó diễn ra cũng như nội dung đàm phán là gì", người phát ngôn an ninh quốc gia John Kirby cho hay.
"Không có bất kỳ ai ở Mỹ thúc đẩy hay gây sức ép buộc ông ấy phải ngồi vào bàn đàm phán", ông Kirby khẳng định.
Tuy nhiên, cố vấn của Tổng thống Ukraine - ông Mykhaylo Podolyak cho rằng những nỗ lực của phương Tây nhằm thuyết phục Ukraine đàm phán với Nga chẳng khác nào yêu cầu Kiev đầu hàng.
Theo cố vấn của Tổng thống Ukraine, Moscow chưa đưa ra "bất kỳ đề xuất trực tiếp nào" với Kiev về các cuộc đàm phán hòa bình mà thích truyền đạt chúng qua các bên trung gian và đặt ra khả năng về lệnh ngừng bắn. Ông cũng khẳng định phương Tây không thể gây sức ép để Ukraine bước vào bàn đàm phán.
Tuy nhiên, mới đây, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba khẳng định Kiev không phản đối các cuộc đàm phán với Nga nhưng để điều này xảy ra, Nga "phải ngừng nhầm lẫn đàm phán và tối hậu thư”. Ngoại trưởng Kuleba nhấn mạnh, "hòa bình công bằng bắt đầu bằng việc khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.
Trước đó, Tổng thống Zelensky đã thông qua nghị quyết của Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine về việc sẽ không đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ngày 31/10, Tổng thống Nga khẳng định ông không nhận thấy bất kỳ khả năng đàm phán nào với Ukraine khi mà Kiev không thể hiện thái độ sẵn sàng. Tuy nhiên, Tổng thống Putin nhấn mạnh, thiện chí của Nga đối với việc đàm phán vẫn không thay đổi.
Phát biểu với báo giới tại Hội nghị Thượng đỉnh G20, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng một lần nữa khẳng định, Nga không từ chối đàm phán, vấn đề nằm ở phía Ukraine.
“Tất cả các vấn đề đều nằm ở phía Ukraine khi nước này từ chối các cuộc đàm phán và đưa ra các điều kiện phi thực tế, không phù hợp tình hình hiện nay”, ông Lavrov nói./.