Bức tranh viện trợ của phương Tây cho Ukraine
Viện trợ của phương Tây đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Ukraine chiến đấu chống lại lực lượng Nga. Mỹ đã viện trợ cho Ukraine hơn 100 tỷ USD kể từ đầu xung đột. Tuy nhiên, một số quyết định từ phương Tây đã khiến Ukraine chưa đạt được thành công trên chiến trường.
Bất chấp lời đề nghị từ Ukraine, Mỹ vẫn không cung cấp máy bay chiến đấu F-16 do nước này sản xuất cho Kiev mà chỉ cho phép các đồng minh gửi loại tiêm kích này tới Ukraine sau khi hoàn thành khóa đào tạo phi công. Điều này khiến Ukraine vẫn phải sử dụng các máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không cũ hơn. Với việc Nga có số lượng máy bay chiến đấu nhiều gấp 10 lần Ukraine, không quân Ukraine gặp rất nhiều khó khăn trên chiến trường.
Mỹ đã cung cấp cho Ukraine các hệ thống vũ khí hiện đại như hệ thống pháo phản lực phóng loạt (MLRS), hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) và hệ thống tên lửa tác chiến lục quân (ATACMS). Tuy nhiên, Washington chỉ gửi cho Kiev số lượng nhỏ, chưa đủ để tạo đột phá trên chiến trường. Mặc dù có hàng trăm xe tăng chiến đấu chủ lực dòng M1 Abrams trong kho dự trữ, nhưng Mỹ chỉ giao 31 xe tăng loại này cho Ukraine sau gần hai năm xung đột.
Liên minh châu Âu (EU) đã viện trợ cho Ukraine khoảng 80 tỷ USD, nhưng phần lớn là dưới dạng hỗ trợ tài chính thay vì cung cấp hỗ trợ quân sự trực tiếp. Ba Lan đã chuyển giao hơn 320 xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại hóa cho Ukraine trong năm 2022 và đầu năm 2023. Estonia cung cấp cho Ukraine số lượng vũ khí và trang thiết bị quân sự tương đương với 1/3 ngân sách quốc phòng của nước này. Latvia quyết định chuyển giao toàn bộ hệ thống tên lửa phòng không vác vai FIM-92 Stinger cho Ukraine. Anh cung cấp cho Ukraine hệ thống chống tăng NLAW, tên lửa hành trình Storm Shadow và xe tăng Challenger.
Giới quan sát đang đưa ra những đánh giá về khả năng viện trợ của phương Tây dành cho Ukraine trong năm 2024. Điều này được thúc đẩy bởi một số yếu tố. Một số nhà hoạch định chính sách phương Tây lo ngại rằng việc cung cấp cho Ukraine vũ khí giúp Kiev đạt được thành công trên chiến trường sẽ vượt qua “lằn ranh đỏ” của Tổng thống Putin, gây nguy cơ Nga sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân đã bị nhiều chuyên gia bác bỏ, trong đó có người đứng đầu Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
Atlantic Council nhận định rằng Mỹ viện trợ nhiều cho Ukraine nhưng mục tiêu chính sách của chính quyền Tổng thống Biden không phải là giúp Ukraine giành chiến thắng trên chiến trường. Tổng thống Biden và các cố vấn của ông đã nhiều lần cảnh báo nguy cơ về Thế chiến III như một lý do để từ chối viện trợ những vũ khí quan trọng cho Ukraine. Các quốc gia châu Âu dường như cũng làm theo Mỹ trong việc này. Tuy nhiên, dù không mong chờ kịch bản Nga giành chiến thắng tại chiến trường Ukraine, Mỹ lại hạn chế cung cấp cho Ukraine những công cụ để Kiev đạt lợi thế. Điều này khiến cuộc xung đột vẫn rơi vào tình trạng “bất phân thất bại”.
Gần đây, Nhà Trắng thừa nhận Mỹ đã chi hết 96% ngân sách mà Quốc hội thông qua để viện trợ cho Ukraine và họ chỉ còn lại tiền để chi tiêu tới hết tháng này. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết, khi số tiền này cạn kiệt, Mỹ sẽ không thể bổ sung vũ khí vào kho dự trữ của chính mình nhằm thay thế vũ khí đã được gửi đến chiến trường ở Ukraine. Bà Jean-Pierre nói rằng Washington hiện phải cung cấp lượng viện trợ quân sự nhỏ hơn cho Kiev khi ngân sách của nước này ngày càng eo hẹp.
Tại châu Âu, nhiều quốc gia đã đảo ngược chính sách viện trợ cho Ukraine sau các cuộc bầu cử gần đây. Vào tháng 11, Slovakia thông báo với NATO rằng nước này sẽ dừng viện trợ quân sự cho Ukraine, nhưng vẫn duy trì hỗ trợ nhân đạo và kỹ thuật cho Kiev. Tân Thủ tướng Slovakia Robert Fico ngay sau khi nhậm chức cuối tháng 10 đã tuyên bố chấm dứt viện trợ vũ khí cho Ukraine. Ông cho rằng Slovakia còn nhiều vấn đề nội bộ cần tập trung hơn việc này.
Tân Thủ tướng Hà Lan Geert Wilders tuyên bố nước này không nên gửi thêm viện trợ cho Ukraine nếu điều đó khiến quân đội Hà Lan không thể bảo vệ đất nước mình.
Tình thế của Ukraine trong năm 2024
Khi cuộc xung đột Nga – Ukraine sắp tròn 2 năm và vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, viện trợ của quốc tế dành cho Kiev trong tương lai chắc chắn sẽ suy giảm. Với lực lượng và khả năng nhỏ hơn nhiều so với Nga, quân đội Ukraine sẽ không thể tiếp tục các cuộc tấn công quy mô lớn trong năm tới mà không có sự hỗ trợ từ phương Tây.
Theo một số chuyên gia quân sự, nếu chiến thuật chiến đấu của hai bên không thay đổi vào năm 2024, cuộc xung đột có nguy cơ đóng băng. Tuy nhiên, bất kỳ sự tạm dừng nào trong cuộc xung đột ở Ukraine sẽ cho phép quân đội Nga tái trang bị lực lượng và vũ khí.
Nếu Mỹ và các đồng minh NATO muốn Ukraine giành thắng lợi trước Nga thì giờ đây Ukraine đã sở hữu lực lượng xe tăng và không quân hùng mạnh, các vũ khí tầm xa có thể chọc thủng phòng tuyến kiên cố của Nga và tấn công sâu vào phía sau tiền tuyến.
Sự đảo ngược chính sách của các nhà lãnh đạo phương Tây vào đầu năm 2024 có thể giúp Ukraine được trang bị những khả năng cần thiết để giành chiến thắng trong xung đột vào cuối năm tới. Điều đó nghĩa là phương Tây cần cung cấp thêm cho Ukraine đạn pháo, tên lửa tầm xa, máy bay chiến đấu, hệ thống phòng không và vũ khí có thể xuyên thủng tuyến phòng thủ của Nga.
Các nhà phân tích cho rằng, nếu Ukraine thành công trên chiến trường vào năm 2024 thì điều đó sẽ có tác động sâu rộng đến an ninh châu Âu và tình hình quốc tế. Bên cạnh đó, vấn đề an ninh lương thực toàn cầu và sự gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ được giải quyết phần nào.