Cuộc chiến vẫn tiếp tục và dường như chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm”. Không bên nào đạt được những bước đột phá lớn có thể làm thay đổi cục diện xung đột, hoặc bày tỏ thiện chí sẵn sàng đàm phán. Ukraine từng nhiều lần tuyên bố không chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ trong một thỏa thuận hòa bình tương lai với Nga. Còn với Tổng thống Putin, thỏa hiệp dường như không phải là một sự lựa chọn sau khi ông đặt cược cả sức mạnh kinh tế và chính trị vào ván bài này. Nga có vẻ như đã chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản xung đột kéo dài.
Tương quan nguồn lực 2 phía
Trong trường hợp xung đột tiếp tục kéo dài, Nga dường như có nhiều lợi thế hơn. Năm 2021, thời điểm trước khi chiến sự nổ ra, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga cao hơn gấp 9 lần so với GDP của Ukraine. Sau khi suy giảm từ 2 đến 4% vào năm 2022, kinh tế Nga được dự đoán sẽ tăng trưởng trở lại vào năm 2023.
Các lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ của phương Tây đã gây tổn thương cho nền kinh tế Nga, cản trở triển vọng tăng trưởng trong dài hạn. Nhưng Moscow đã tìm cách thích nghi, trong đó có việc tìm kiếm chuỗi cung ứng thay thế, cải tiến công nghệ. Moscow cũng bán dầu mỏ với khối lượng kỷ lục cho Ấn Độ, Trung Quốc, đồng thời tìm thêm nhiều khách hàng mới.
Trước xung đột, dân số của Nga lớn gấp 3 lần so với dân số Ukraine. Chưa kể, lãnh thổ của Nga không bị đe dọa bởi các cuộc giao tranh giống cuộc giao tranh giữa quân chính phủ và phe ly khai ở miền Đông Ukraine bùng phát từ năm 2014. Các nhà máy quốc phòng của Nga hầu như hoạt động toàn thời gian. Tổng thống Putin cũng cam kết sẽ dành mức kinh phí quốc phòng đáng kể để trang bị cho quân đội.
Trái lại, về tiềm lực quốc phòng, Ukraine phụ thuộc khá nhiều vào Liên minh châu Âu (EU) và NATO. Dù nỗ lực rất nhiều nhưng khả năng chiến đấu của quân đội nước này vẫn phụ thuộc chủ yếu vào sự hỗ trợ tài chính và quân sự của phương Tây. Giao tranh ác liệt đã tàn phá nghiêm trọng nền kinh tế Ukraine. GDP của Ukraine ước tính giảm 1/3 vào năm 2022. Chi phí tái thiết dự kiến vượt hơn 1.000 tỷ USD. Hàng triệu người Ukraine đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn và nhiều người trong số này có thể sẽ không quay trở lại.
Cả Nga và Ukraine đều phải gánh chịu tổn thất lớn về nhân lực. Theo một báo cáo công bố vào tháng 1 vừa qua, con số thương vong ở phía Ukraine là khoảng 100.000 người. Nếu xét về quy mô dân số thì đây là bất lợi lớn với Kiev. Điều này cũng được các nước phương Tây công nhận.
Mỹ và châu Âu đã cung cấp một lượng lớn viện trợ quân sự cho Ukraine trong gần 12 tháng qua, từ máy bay không người lái, đạn pháo đến xe tăng và tọa độ mục tiêu, thông tin tình báo ... Số lượng vũ khí mà Ukraine tiếp nhận từ phương Tây ngày càng nhiều và càng tinh vi hơn. Phương Tây hy vọng điều này sẽ giúp Kiev tạo ra bước đột phá quyết định trong cuộc xung đột. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, Ukraine vẫn chưa đạt được thắng lợi đáng kể trên chiến trường.
Điều gì xảy ra tiếp theo?
Giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột được dự đoán sẽ rất khó khăn đối với Ukraine. Hoạt động tấn công luôn phải đối mặt nhiều thách thức hơn phòng thủ. Nhưng các nhà phân tích quân sự cho rằng, Ukraine sẽ phải tiến hành cuộc tấn công lớn nếu muốn giành lợi thế trước quân đội Nga vốn đã có thời gian khôi phục lực lượng sau mùa Hè và mùa Thu năm 2022.
Nhiều báo cáo cho thấy, Ukraine đang đối mặt tình trạng thiếu đạn pháo trầm trọng và đây là trở ngại lớn khi Ukraine muốn tiến hành cuộc tấn công lớn ở khu vực miền Nam.
Trong gần 1 năm qua, đã có rất nhiều suy đoán về lằn ranh đỏ của Nga, cũng như hành động mà Ukraine hoặc các nước phương Tây có thể thực hiện để vượt qua các lằn ranh này. Từ vụ soái hạm Moska bị chìm, vụ nổ trên cầu Crimea đến những cuộc tấn công bên trong lãnh thổ Nga ... tất cả đều làm dấy lên các cuộc tranh luận về lằn ranh đỏ của Nga.
Không ai dự đoán được điều gì có thể khiến Tổng thống Putin sử dụng vũ khí hạt nhân để đối phó Ukraine. Bởi hơn ai hết, ông Putin hiểu rõ hậu quả nghiêm trọng của một bước đi như vậy, trong đó kịch bản NATO đưa ra phản ứng quân sự trực tiếp. Nhưng nếu có một tình huống buộc ông phải sử dụng vũ khí này thì suy đoán hàng đầu vẫn là viễn cảnh Ukraine tấn công để giành lại quyền kiểm soát Crimea.
Phương Tây không còn sự lựa chọn
Theo giới phân tích, thật khó để kết luận rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine thực sự mang lại lợi ích cho Mỹ và châu Âu. Nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, giá nhiên liệu tăng cao, lạm phát phi mã và kho vũ khí dần cạn kiệt là những gì họ đang phải đối mặt ở thời điểm này. Khi xung đột chuẩn bị bước sang năm thứ 2, phương Tây dường như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải tiếp tục “bơm” vũ khí cho Ukraine với hy vọng Kiev sẽ đảo ngược tình thế.
Trong bối cảnh cả Nga và Ukraine không chấp nhận thỏa hiệp, vẫn chưa rõ phương Tây có thể tiếp tục viện trợ cho Kiev với mức độ như hiện nay hay không khi xung đột tiếp tục kéo dài. Sau nhiều lần đưa ra cam kết “hỗ trợ Ukraine trong khả năng có thể”, Mỹ và cac đồng minh dường như đã chấp nhận sự thật rằng lợi ích cũng như mục tiêu của họ và Ukraine không tương đồng.
Giới phân tích cho rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine có thể kết thúc theo 3 kịch bản: Nga chiến thắng, Ukraine chiến thắng hoặc cả 2 bên đều rơi vào tình trạng bế tắc. Kịch bản đầu tiên có thể dẫn đến nguy cơ đối đầu quân sự với NATO và Nga vì viễn cảnh Moscow chiếm ưu thế trên chiến trường có thể khiến NATO sẵn sàng đáp trả lời kêu gọi can dự trực tiếp để hỗ trợ Ukraine. Kịch bản thứ 2 có thể dẫn đến một cuộc xung đột hạt nhân, còn kịch bản thứ 3 sẽ khiến xung đột kéo dài tương tự như tình hình trên Bán đảo Triều Tiên./.