Mỹ tăng cường tình báo khi Nga “không nói suông” về việc sử dụng hạt nhân
Các cơ quan tình báo của Mỹ và phương Tây đã tăng cường nỗ lực nhằm phát hiện những động thái quân sự hoặc liên lạc của Nga có dấu hiệu cho thấy Tổng thống Vladimir Putin sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, 5 quan chức và cựu quan chức Mỹ cho hay.
Hầu hết các chiến đấu cơ của Nga, cùng với các bệ phóng rocket và tên lửa theo quy ước đều có thể mang các vũ khí hạt nhân chiến thuật. Những vũ khí này được thiết kế để nhắm vào các mục tiêu cụ thể hơn trên chiến trường, so với các vũ khí chiến lược như tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Điều đó tức là trừ khi Tổng thống Putin hoặc các chỉ huy quân sự của Nga muốn thế giới biết trước, nếu không thì Mỹ có lẽ không bao giờ biết được khi nào các lực lượng của Nga đổi các loại đạn dược theo quy ước thành những quả bom nguyên tử.
"Chúng tôi đang theo dõi việc này sát sao hơn", một quan chức Mỹ được tiếp cận với thông tin tình báo về chiến lược và lực lượng hạt nhân của Nga cho hay.
Một tâm điểm chú ý khác bên ngoài lãnh thổ Ukraine là khu vực Kaliningrad, dải đất nằm giữa Ba Lan là Litva - nơi điện Kremlin lắp đặt các hệ thống vũ khí lưỡng dụng và tên lửa siêu thanh.
Trong tuần qua, các trang web radar theo dõi chuyến bay cho thấy nhiều máy bay trinh sát điện tử RC-135 Rivet Joint của Không quân Mỹ bay quanh thành phố này để thu thập dữ liệu. Việc Nga nâng cấp kho tên lửa ở Kaliningrad những năm qua đã làm dấy lên mối lo ngại về việc tăng cường lực lượng hạt nhân trong khu vực.
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, Tổng thống Putin đã nhiều lần cảnh báo Nga sẽ sử dụng các loại vũ khí, bao gồm cả vũ khí hạt nhân, để bảo vệ lãnh thổ và người dân Nga hoặc khi sự tồn tại của nhà nước Nga bị đe dọa. Tuần trước những cảnh báo này một lần nữa được nhắc lại khi ông tuyên bố sẵn sàng "sử dụng mọi phương tiện sẵn có" trong đó có "nhiều loại vũ khí phá hủy".
"Tôi không hề nói suông", nhà lãnh đạo Nga cho hay.
Đáp lại, Mỹ đã cảnh báo "những hậu quả thảm khốc" nếu vũ khí hạt nhân được sử dụng ở Ukraine, song không nêu cụ thể những hậu quả đó là gì.
Ngày 26/9, điện Kremlin cho biết nước này đã có những cuộc trao đổi với Mỹ về các vấn đề hạt nhân trong nỗ lực làm dịu tình hình. Thứ trưởng Quốc phòng Nga cũng khẳng định Nga không có kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân.
Dù vậy, ngày 27/9, giữa bối cảnh Moscow chuẩn bị sáp nhập 15% lãnh thổ Ukraine sau các cuộc trưng cầu ý dân ở các khu vực mà nước này kiểm soát, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev một lần nữa nhắc lại lập trường hạt nhân của mình.
"Hãy tưởng tượng nếu Nga buộc phải sử dụng vũ khí đáng sợ nhất này để chống lại chính quyền Ukraine thì đó là khi sự tồn tại của nhà nước chúng tôi gặp nguy hiểm", ông Medvedev cho hay.
"Tôi tin là NATO sẽ không trực tiếp can dự vào cuộc xung đột này thậm chí cả trong viễn cảnh trên" bởi họ "không muốn chết trong một thảm họa hạt nhân".
Người phát ngôn Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ Joshua Kelsey cho biết cơ quan này "luôn theo dõi và sẵn sàng phản ứng nếu cần thiết".
"Chúng tôi chưa thấy bất kỳ bằng chứng nào ở thời điểm này cho thấy Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân. Chúng tôi xem xét các mối đe dọa này một cách rất nghiêm túc nhưng chúng tôi không nhận thấy bất kỳ lý do nào để điều chỉnh lập trường hạt nhân ở thời điểm này", ông Joshua Kelsey nhận định.
Dự đoán trước cuộc tấn công hạt nhân của Nga là điều khó khăn
Phía Mỹ thừa nhận việc dự đoán trước về cuộc tấn công hạt nhân của Nga là một nhiệm vụ khó khăn. Hàng chục hệ thống vũ khí của Nga có thể mang cả vũ khí theo quy ước và các đầu đạn hạt nhân đương lượng nổ thấp.
Theo một vài ước tính được công bố, Nga sở hữu hơn 1.900 vũ khí hạt nhân chiến thuật.
"Đó có thể là bất kỳ thứ gì, từ tên lửa hành trình cho tới ngư lôi hạt nhân, cho tới bom trọng lực và tên lửa đạn đạo tầm trung", quan chức Mỹ nhận định.
Quan chức này cũng cho biết các cơ quan tình báo Mỹ tin rằng Nga sẽ không liều lĩnh thực hiện một cuộc chiến hạt nhân toàn diện bằng cách tấn công quy mô lớn ở Ukraine hoặc các nước NATO.
"Họ sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến lược. Họ sẽ không bao giờ phóng ICBM hay đặt một quả bom với đương lượng nổ hàng megaton từ máy bay ném bom Tu-95. Những gì họ làm sẽ là sử dụng vũ khí tầm ngắn. Họ có các đầu đạn mà chúng tôi gọi là vũ khí hạt nhân mini”.
Các quan chức tình báo hàng đầu Mỹ tăng cường cảnh báo trong những tháng gần đây về việc Nga sẽ đưa vào sử dụng các vũ khí chiến thuật.
Avril Haines, giám đốc tình báo quốc gia nhận định với Quốc hội Mỹ hồi tháng 2 rằng, Nga "đang mở rộng và hiện đại hóa các hệ thống vũ khí phi chiến lược, có khả năng mang các đầu đạn theo quy ước và đầu đạn hạt nhân".
Bà nhận định: "Moscow tin rằng các hệ thống này sẽ cho họ những lựa chọn để cản trở đối phương, kiểm soát mức độ leo thang căng thẳng cũng như đối phó với quân đội Mỹ và đồng minh gần biên giới nước này".
Một quan chức quân sự Mỹ cho biết, Nga có 23 hệ thống có thể mang vũ khí hạt nhân và vũ khí theo quy ước, trong đó có nhiều vũ khí đang sử dụng ở Ukraine.
"Gần như mỗi vũ khí của Nga đều có khả năng hạt nhân. Dù là hệ thống pháo phản lực, hệ thống phòng không, ngư lôi hay tên lửa hành trình đều có thể có một vũ khí hạt nhân đi cùng". Quan chức Mỹ này đã lấy ví dụ từ hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander có thể mang cả các đầu đạn hạt nhân và đầu đạn theo quy ước.
Một số nhà quan sát phương Tây đánh giá, Nga đang công khai về những ý định của mình nhằm đạt được lợi thế ngoại giao.
"Theo tôi, nếu Nga sẵn sàng thực hiện, họ sẽ cố gắng ra dấu hiệu về việc đó. Họ sẽ lấy ra các vũ khí hạt nhân từ các kho lưu trữ đặc biệt. Họ sẽ ra dấu hiệu rằng họ đang di chuyển đạn dược từ các nhà kho tới các địa điểm khai hỏa. Và sau đó họ sẽ cho chúng ta thêm thời gian để suy nghĩ và lo ngại về điều đó", Franklin Miller, cựu quan chức Lầu Năm Góc đồng thời là quan chức về chính sách hạt nhân thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush cho hay.
Dù vậy, một quan chức Mỹ giấu tên bình luận, trong trường hợp "Nga sử dụng những vũ khí hạt nhân nhỏ hơn" và không báo trước, Washington có lẽ sẽ không biết khi nào chúng được triển khai./.