Sau hơn 7 tháng, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã trải qua nhiều diễn biến khó lường. Trong những tuần gần đây, Ukraine tiến hành phản công và tuyên bố giành lại nhiều khu vực do Nga kiểm soát trong khi Moscow cho biết nước này rút quân để tái tổ chức và củng cố lực lượng.

Ngày 12/9, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố Nga sẽ không chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine cho tới khi Kiev “đầu hàng hoàn toàn".

"Tổng thống Zelensky cho biết ông ấy sẽ không tiến hành một cuộc đối thoại về chủ đề bên nào là bên đặt ra các tối hậu thư. Những tối hậu thư hiện nay chỉ là những bài tập khởi động cho các yêu cầu trong tương lai. Ông ấy hiểu rõ chúng: Sự đầu hàng hoàn toàn của chính quyền Kiev nằm trong số các điều kiện của Nga", ông Medvedev cho hay.

Giới quan sát cho rằng, trong quá trình thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga có những lý do để tin rằng họ sẽ giành chiến thắng cuối cùng.

Sự ủng hộ của phương Tây cho Ukraine sẽ phai nhạt dần

Nhà quan sát Daniel Drezner, giáo sư về chính trị quốc tế, đồng thời là Giám đốc Chương trình nghiên cứu Nga và Á - Âu tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher thuộc Đại học Tufts nhận định trên Vox rằng, các học giả Nga cho rằng phương Tây thiếu khả năng chịu đựng để duy trì sự ủng hộ lâu dài cho Ukraine. Một học giả Nga nói với ông rằng: "Chúng tôi đang chờ tỷ lệ lãi suất ở mức cao dẫn đến những vấn đề chính trị nội bộ" ở các nước phương Tây.

Ông Daniel Drezner bình luận, trung tâm trong chiến lược hiện nay của Nga là chờ đợi tới khi phương Tây xuất hiện nhiều vấn đề và không tránh khỏi tâm lý mệt mỏi vì cuộc chiến ở Ukraine, từ đó sự ủng hộ của công chúng với cuộc xung đột này sẽ giảm dần.

Điều này thậm chí đã được Người Phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nhiều lần khẳng định. Hồi tháng 6/2022, ông Peskov đánh giá, công dân EU "đang cảm nhận được tác động của các lệnh trừng phạt nhiều hơn so với chúng tôi". Trước đó ông cũng cho rằng "cái giá của lệnh trừng phạt đối với các công dân châu Âu sẽ tăng lên từng ngày". Trong mùa hè này, nhà phân tích Nga Sergey Karaganov đã nhận định với New York Times rằng, "giới tinh hoa phương Tây đang thất bại và mất dần tín nhiệm".

Thậm chí, chính các nước phương Tây cũng cảm nhận rõ và thừa nhận tác động của các lệnh trừng phạt Nga.

Hồi tháng 4, Politico đưa tin: "Có một mối lo ngại ngày càng gia tăng là Tổng thống Putin sở hữu thứ mà phương Tây thiếu: đó là thời gian... Các quan chức Mỹ lo ngại sự ủng hộ đối với cuộc chiến sẽ giảm dần qua thời gian, đặc biệt khi giá nhiên liệu vẫn ở mức cao trong khi Washington sắp bước vào cuộc bầu cử giữa kỳ".

Sau khi Ukraine tuyên bố giành được các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát, Politico tiếp tục đăng tải một bài viết với nhận định: "Khi cuộc chiến ở Ukraine bước sang ngày thứ 200, Tổng thống Joe Biden đối mặt với những thách thức mới trong cam kết đối phó lâu nhất có thể với cỗ máy chiến tranh của Moscow".

Rõ ràng, nền chính trị phương Tây đã đối mặt với không ít biến động và sự bất ổn. Trong 7 tháng kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã rời nhiệm sở, Thủ tướng Italy Mario Draghi từ chức, đảng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mất thế đa số tại Quốc hội và đảng Dân chủ của Tổng thống Biden có nguy cơ thất bại trong cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới. Dù phương Tây nhiều lần tuyên bố về sự đoàn kết cũng như quyết tâm ủng hộ Ukraine nhưng Nga có cơ sở để dự đoán sự ủng hộ này sẽ phai nhạt dần qua thời gian và trước những sức ép ngày càng gia tăng.

Dù vậy phương Tây cho rằng họ vẫn giữ được sự đoàn kết và sẽ dập tắt hy vọng của Nga rằng sự ủng hộ cho Ukraine sẽ phai nhạt dần. Trong một cuộc thăm dò dư luận hồi tháng 9, 70% người dân Đức nhất trí ủng hộ Ukraine thậm chí cả khi điều đó đồng nghĩa với giá năng lượng tăng cao. Cuộc thăm dò dư luận hồi tháng 8 của Hội đồng Các vấn đề Toàn cầu Chicago cũng cho thấy 72% người dân Mỹ được hỏi ủng hộ cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine, 58% những người tham gia khảo sát nhất trí rằng "Mỹ nên ủng hộ Ukraine lâu nhất có thể".

Ngoài ra, phương Tây cho rằng ngay cả sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson từ chức thì tân Thủ tướng Liz Truss vẫn cam kết tiếp tục ủng hộ Ukraine. Mặc dù đảng của ông Macron không giành thế đa số nhưng việc tiếp tục tái đắc cử vị trí Tổng thống khiến ông vẫn có thể duy trì chính sách đối ngoại của Pháp.

Về phía Mỹ cũng tương tự, ngay cả khi đảng Cộng hòa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 thì điều đó cũng không ảnh hưởng đến sự ủng hộ của Mỹ cho Ukraine. Chính quyền Tổng thống Biden sẽ tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại của Mỹ ít nhất là tới tháng 1/2025.

Nga và phương Tây đều có lý do để tin rằng mình có lợi thế riêng và đối phương sẽ sụp đổ trước nhưng thời gian sẽ đưa ra câu trả lời cho mỗi bên.

Nga không hoàn toàn bị cô lập

Với những lệnh trừng phạt cứng rắn chưa từng có, phương Tây hy vọng sẽ cô lập Nga và khiến nền kinh tế nước này sụp đổ. Tuy nhiên điều đó đã không xảy ra.

Bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây, doanh thu của Nga từ dầu mỏ và khí đốt vẫn không ngừng tăng. Bên cạnh đó, những đối tác châu Á quan trọng như Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục tăng cường nhập khẩu năng lượng của Moscow, phần nào bù đắp việc châu Âu giảm dần sự phụ thuộc vào Nga.

Trong cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Uzbekistan ngày 15/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thảo luận về dự án cơ sở hạ tầng mới quy mô lớn: Dự án Sức mạnh Siberia 2 vận chuyển khí đốt từ Nga tới Trung Quốc qua Mông Cổ. Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết đường ống này sẽ thay thế đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 sang châu Âu.

Sự ủng hộ của Trung Quốc với Nga về mặt ngoại giao ngày càng được củng cố trong những tháng qua. Mới đây, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc Lật Chiến Thư đã thăm Moscow và khẳng định với các nghị sĩ Nga rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc "hiểu rõ nhu cầu Nga cần tiến hành tất cả các biện pháp để bảo vệ các lợi ích cốt lõi của mình". Ông Lật Chiến Thư là nhân vật quyền lực nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc đến thăm Nga kể từ khi xảy ra cuộc xung đột tại Ukraine.

Trước khi cuộc xung đột ở Ukraine diễn ra, Nga và Trung Quốc đã nhất trí một tuyên bố chung dài 5.000 chữ khẳng định: "Tình hữu nghị giữa 2 quốc gia không có giới hạn và không có vùng cấm trong các lĩnh vực hợp tác".

Dù vậy, khi cuộc chiến ở Ukraine tiếp diễn, phương Tây cho rằng mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc vẫn tồn tại các giới hạn. Trong khi Nga và Trung Quốc tiếp tục hợp tác về thương mại, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow thì Bắc Kinh vẫn chưa hỗ trợ quân sự và tài chính cho Nga, động thái có thể khiến nước này cũng trở thành mục tiêu của các biện pháp trừng phạt. Một quan chức cấp cao Mỹ nhận định với Reuters rằng: "Trung Quốc không cung cấp sự ủng hộ thực chất. Chúng tôi chưa thấy Trung Quốc vi phạm các lệnh trừng phạt một cách có hệ thống và họ cũng chưa cung cấp vũ khí quân sự cho Nga".

Nga đủ sức chống đỡ với các lệnh trừng phạt

Các quan chức cấp cao Mỹ nhận định với CNN rằng họ cảm thấy thất vọng khi cho tới nay, các lệnh trừng phạt không có tác động lớn hơn đến nền kinh tế Nga và dự đoán rằng những tác động mạnh mẽ nhất sẽ chưa thể thành hiện thực ít nhất là cho tới đầu năm sau. Hy vọng của phương Tây về việc các lệnh trừng phạt sẽ nhanh chóng bóp nghẹt cỗ máy chiến tranh của Nga ở Ukraine nhằm gây khó dễ cho điện Kremlin đã chứng minh là điều đó không hề dễ dàng.

Nền kinh tế Nga chứng minh được khả năng thích ứng linh hoạt hơn nhiều so với những gì các quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Biden dự đoán khi áp lệnh trừng phạt lên nước này, chủ yếu nhờ doanh thu kỷ lục từ dầu mỏ và khí đốt do giá năng lượng tăng. Trong 100 ngày đầu tiên của cuộc chiến, Nga đã thu về 93 tỷ euro doanh thu nhờ hoạt động xuất khẩu dầu mỏ, than đá và khí đốt.

Nền kinh tế Nga trong tháng 4 và tháng 6 đã sụt giảm khoảng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với con số 15% mà nhiều nhà quan sát dự đoán vào đầu năm nay.

Một quan chức Mỹ thừa nhận mặc dù gây ra một vài cú sốc cho nền kinh tế Nga, chẳng hạn như khiến đồng rúp sụt giảm, nhưng Moscow đã nhanh chóng khôi phục nhờ doanh thu từ năng lượng. Dù vậy, quan chức này và giới tình báo phương Tây dự báo, về dài hạn, nền kinh tế Nga sẽ chịu tác động lớn hơn do chi phí chiến tranh và việc châu Âu cắt giảm nhập khẩu năng lượng từ Moscow. Giám đốc CIA Bill Burns dự báo: "Nga sẽ phải trả giá rất đắt về dài hạn".

Trên thực tế, sự chênh lệch giữa những dự báo ban đầu của phương Tây và thực tế diễn ra đã cho thấy Mỹ và châu Âu đánh giá thấp doanh thu của Nga từ dầu mỏ và khí đốt, cũng như thái độ sẵn sàng của những quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ trong việc tiếp tục mua dầu mỏ Nga. Bất chấp việc là một trong nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, ngay cả Saudi Arabia cũng bắt đầu mua dầu thô Nga do được giảm giá để sử dụng cho các nhà máy điện và bán dầu của mình cho các nước khác.

Hồi cuối tháng 8, Tổng thống Putin đã tuyên bố các lệnh trừng phạt áp lên Nga và cản trở sự phát triển của Crimea đã gây ra một số vấn đề nhưng Moscow có thể vượt qua./.