Liệu thực tế này có phải là sự phản ánh việc các quốc đảo Thái Bình Dương có cách ứng xử khác nhau đối với Mỹ và Trung Quốc hay không? Đâu là nguyên nhân dẫn đến các hành xử này và điều này phản ánh thực tế gì về quan hệ của các nước Thái Bình Dương với Mỹ và Trung Quốc?
Quan hệ giữa các quốc đảo Thái Bình Dương và Mỹ đã bước sang một trang mới sau khi hai bên ký Tuyên bố về quan hệ Đối tác Mỹ-Thái Bình Dương vào hôm 29/9 vừa qua, nhân Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Mỹ với các nhà lãnh đạo quốc đảo Thái Bình Dương.
Trước đó, vào hồi tháng 5/2022, nhân chuyến thăm các quốc đảo Thái Bình Dương của Ngoại trưởng Vương Nghị, Trung Quốc cũng đề xuất một kế hoạch hợp tác chung với các nước trong khu vực trong nhiều lĩnh vực tuy vậy khi đó, các nước đã không đồng ý kế hoạch này và khẳng định cần thêm thời gian để nghiên cứu.
Thực tế này cho thấy cả Mỹ và Trung Quốc đều đang muốn đẩy mạnh hợp tác với khu vực trong một khuôn khổ chung. Tuy nhiên, trong lúc từ chối đề nghị hợp tác của Trung Quốc thì các quốc đảo Thái Bình Dương lại đồng ý thiết lập khuôn khổ hợp tác với Mỹ, vì sao lại như vậy?
Thủ tướng Quần đảo Cook Mark Brown cho biết, trong lúc các quốc gia Thái Bình Dương rất quan tâm tới ứng phó với Covid-19, với biến đổi khí hậu, với gánh nặng nờ nần và mong nhận được sự trợ giúp từ khắp mọi nơi trên thế giới thì Trung Quốc lại có cách tiếp cận khác và chỉ chú trọng đến chương trình nghị sự của họ.
Với Mỹ, tuyên bố chung bao gồm 11 điểm mà Mỹ vừa ký với các quốc đảo Thái Bình Dương bao trùm nhiều vấn đề từ biến đối khí hậu, phát triển kinh tế, cải thiện điều kiện an ninh và thúc đẩy chủ nghĩa khu vực Thái Bình Dương. Trước khi Mỹ và các nước ký tuyên bố chung, Mỹ đã công bố một loạt các chương trình hỗ trợ khu vực Thái Bình Dương trị giá hơn 810 triệu USD.
Thủ tướng Mark Brown cũng cho hay các nước trong khu vực đều “rất tập trung trong khi thảo luận về việc Mỹ cần làm gì để tái kết nối với khu vực”. Từ “tái kết nối” được Thủ tướng Brown sử dụng có ý nghĩa quan trọng khi nó cho thấy Mỹ không phải là một đối tác mới, xa lạ mà chỉ là sự quay trở lại của Mỹ ở khu vực này. Nó cũng cho thấy các nước trong khu vực vẫn hướng về phía Mỹ và không muốn loại bỏ Mỹ.
Ngoài nội dung, cách thức nêu vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc cũng khác nhau. Nếu như nội dung của tuyên bố chung giữa Mỹ và các nước Thái Bình Dương đã được thỏa luận kỹ từ trước khi diễn ra cuộc gặp của các nhà lãnh đạo thì các nước Thái Bình Dương lại không có nhiều thời gian để nghiên cứu và thảo luận về đề nghị mà Trung Quốc đưa ra. Chính vì vậy vào thời điểm đó, Thủ tướng Samoa Fiame Naomi Mata’afa đã khẳng định các nhà lãnh đạo trong khu vực cần ngồi lại để thảo luận trước khi đưa ra quyết định.
Tuyên bố Quan hệ Đối tác Mỹ-Thái Bình Dương đã thiết lập khuôn khổ mới cho mối quan hệ giữa hai bên có thể được đánh giá là thắng lợi ban đầu của Mỹ trong nỗ lực quay trở lại và gia tăng ảnh hưởng trong khu vực.
Tuy vậy, tuyên bố này cũng chưa thể đảm bảo được vị thế của Mỹ ở Thái Bình Dương khi các nước sẽ nhìn vào các hành động thực tế hơn là những cam kết. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng sẽ không dễ dàng từ bỏ mục tiêu gia tăng ảnh hưởng trong khu vực và sẽ tiếp cụ có những động thái trong thời gian tới. Vì vậy vào lúc này sẽ vẫn là quá sớm để khẳng định là Mỹ đang giành ưu thế trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng ở Thái Bình Dương./.