Với quyết định rời bỏ vị trí lãnh đạo chính phủ Nhật Bản, ông Hatoyama trở thành vị Thủ tướng thứ 4 của Nhật Bản phải ra đi chỉ sau gần 1 năm tại vị. Đặc biệt hơn, ông Hatoyama không từ chức một mình, mà cùng với nhân vật quyền lực thứ hai trong Đảng Dân chủ Nhật Bản là Tổng thư ký Ozawa.

Sự hy sinh này là đau đớn nhưng khẩn thiết để bảo vệ thành quả lịch sử mà Đảng Dân chủ Nhật Bản làm được hồi tháng 8/2009, khi bước lên vị trí lãnh đạo chính phủ sau 5 thập kỷ ở vị trí đối lập. Chính những “lời hứa đẹp nhưng không khả thi” từng đưa Đảng Dân chủ Nhật Bản lên vũ đài vinh quang, giờ lại là “gót chân Achilles” làm suy yếu họ.

Những ai từng hân hoan với sự kiện “gió đổi chiều” tại Nhật Bản vào tháng 8/2009, giờ lại phải buồn bã kết luận “làn gió mới chưa hẳn đã mát lành”. Thời gian gần 1 năm không hẳn là dài nhưng với cử tri Nhật Bản dường như đã là “đủ” để chứng thực những lời hứa của đảng Dân chủ Nhật Bản, với kế hoạch cải cách đất nước được đánh giá là “hay nhưng rất khó”.

Hai lời hứa cơ bản nhất mà Đảng này đưa ra cho cử tri là: thành lập một chính phủ trong sạch, chấn chỉnh lại những chi tiêu lãng phí của chính phủ tiền nhiệm; thứ hai là đưa căn cứ quân sự Futenma của Mỹ ra khỏi Okinawa- đều đã không được thực hiện. Và Thủ tướng Hatoyama - người đặt bút ký bản thoả thuận cuối cùng với Washington, cho phép Futenma tiếp tục “ngự trị” ở Okinawa và Tổng thư ký Đảng Ozawa - người bị dính líu vào những cáo buộc mờ ám quỹ chính trị đã phải ra đi để nhận trách nhiệm cho hai sự “thất hứa” đó.

Công chúng đã không còn lắng nghe tôi”- Thủ tướng Hatoyama đã phải thừa nhận sức ép mạnh mẽ từ phía người dân- mà thực tế không thể phủ nhận là tỷ lệ ủng hộ ông giảm sút thê thảm từ mức 70% vào tháng 9/2009 xuống chưa đầy 20% hiện nay.

Chấp nhận đau đớn một lần! Sự ra đi của hai nhân vật lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng Dân chủ Nhật Bản thực sự là vì lợi ích lâu dài của Đảng này. Đảng Dân chủ Nhật Bản như đang “ngồi trên đống lửa” khi mà cuộc bầu cử Thượng viện chỉ còn 1 tháng nữa là bắt đầu, Đảng Dân chủ Xã hội lại đột ngột rời khỏi liên minh cầm quyền vài ngày trước. Tìm đối tác liên minh mới có đủ lực để giành đa số trong bầu cử Thượng viện trở thành sứ mệnh bất khả thi chừng nào ông Hatoyama còn tại nhiệm. Bởi hai đảng nhỏ khác là Đảng của Bạn và Đảng Công minh đưa ra điều kiện rõ ràng là chỉ liên minh với Đảng Dân chủ Nhật Bản chừng nào có một gương mặt mới lên lãnh đạo Đảng thay ông Hatoyama. Cực chẳng đã, chính một số nghị sỹ của Đảng trong Thượng viện đã lên tiếng yêu cầu ông Hatoyama từ chức.

Ngay sau khi Thủ tướng Hatoyama và Tổng thư ký Ozawa chấp nhận ra đi, Đảng Dân chủ Nhật Bản đang khẩn trương tận dụng thời gian không còn dài phía trước để “xốc” lại đội ngũ lãnh đạo. Cuối ngày hôm nay, Đảng sẽ công bố danh sách ứng cử viên và thứ sáu 4/6 sẽ bầu chọn Chủ tịch mới- cũng sẽ là Thủ tướng mới của đất nước Mặt trời mọc. Hiện Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Naoto Kan- người có uy tín và quyền lực thứ 3 trong Đảng Dân chủ Nhật Bản- được coi là ứng cử viên có nhiều triển vọng nhất.

“Sau cơn mưa, trời liệu có sáng?”, câu trả lời lúc này hoàn toàn phụ thuộc nhiều vào thái độ của người dân xứ sở hoa anh đào- những người đã bỏ phiếu bầu đảng Dân chủ Nhật Bản liệu có chấp nhận tha thứ, trao thêm cơ hội cho đảng này?/.