Thông điệp mới từ gói viện trợ
Gói viện trợ quân sự mà Tổng thống Biden vừa công bố là gói viện trợ quân sự lớn nhất từ trước đến nay dành cho Ukraine. Gói viện trợ này nằm trong khuôn khổ Sáng kiến hỗ trợ an ninh cho Ukraine được thành lập từ năm 2015 sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea và xung đột bùng phát tại khu vực miền đông Ukraine.
Cụ thể, gói viện trợ này sẽ bao gồm nhiều loại vũ khí như hệ thống phòng không, pháo và đạn dược, hệ thống chống máy bay không người lái và nhiều loại vũ khí trang bị khác giúp quân đội Ukraine củng cố và tăng cường khả năng phòng thủ trong dài hạn. Gói viện trợ mới nhất này đúng là đang gửi đi thông điệp rõ ràng rằng chính quyền Tổng thống Biden cam kết tiếp tục ủng hộ Ukraine trong dài hạn.
Ngay trong tuyên bố của mình, ông Biden cam kết Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ người dân Ukraine và gói viện trợ mới nhất này cũng nhằm mục đích khẳng định ý định của Mỹ là tiếp tục duy trì sự ủng hộ đối với Ukraine bất kể diễn biến chiến sự hàng ngày hoặc kết cục xung đột. Điều này thể hiện rõ ràng hơn trong tuyên bố của Lầu Năm Góc khi Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách chính sách Colin Kahl khẳng định, gói viện trợ mới nhất không liên quan đến kết cục của cuộc chiến tại Ukraine.
Nếu cuộc chiến kéo dài thì gói viện trợ đương nhiên là phù hợp và trong trường hợp ngừng bắn hoặc có thỏa thuận hòa bình thì Ukraine vẫn cần gói viện trợ này để củng cố năng lực phòng thủ của mình. Kể từ tháng 1/2021, Mỹ đã cam kết hơn 13,5 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine theo sáng kiến trên.
Ngoài ra, gói viện trợ mới cũng khác với các gói viện trợ trước đây khi tập trung vào các vũ khí trang bị phòng thủ có thể sử dụng và được chuyển giao trong trung và dài hạn khi tính chất của cuộc chiến đang có sự thay đổi. Thay vì cung cấp vũ khí chống tăng, vũ khí chống máy bay thì Mỹ ưu tiên cung cấp cho quân đội Ukraine các hệ thống pháo, các hệ thống vũ khí có người điều khiển… Trong các đợt viện trợ trước, vũ khí trang bị chủ yếu là hàng sẵn có trong kho của quân đội Mỹ và có thể được chuyển giao ngay lập tức. Đối với đợt viện trợ mới này, chính quyền Biden sẽ phải đặt hàng các nhà thầu quốc phòng sản xuất và việc chuyển giao sẽ mất nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm.
Dư luận Mỹ về tương quan lực lượng hai bên
Về thực trạng xung đột Nga-Ukraine hiện nay thì có thể nói rằng rất khó đánh giá khi cả hai bên đang tận dụng tối đa chiến tranh thông tin, hay cụ thể hơn là cuộc chiến trên mạng internet và cuộc chiến truyền thông trên các mạng xã hội và phương tiện truyền thông đại chúng. Tuy nhiên, có thể thấy rằng tính chất của cuộc chiến dường như đang có sự thay đổi rõ rệt kể từ khi các nỗ lực kiểm soát một số khu vực quan trọng như thủ đô Kiev, thành phố Kharkov hay Chernihiv… của Nga thất bại.
Sau hơn 6 tháng xung đột, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đã chuyển trọng tâm sang khu vực Donbass, miền Đông Ukraine khu vực chứng kiến giao tranh giữa các lực lượng ly khai và quân đội Ukraine kéo dài từ năm 2014. Nga dường như đang chuyển sang các chiến dịch kéo dài với quy mô nhỏ hơn, sử dụng pháo binh, không quân tấn công hàng ngày. Trong khi đó, với viện trợ quân sự của phương Tây, Ukraine có thêm khả năng tấn công tầm xa nhằm vào các khu vực hiện do Nga kiểm soát. Trong thời gian qua, một số mục tiêu quân sự của Nga trên bán đảo Crimea bị phá hoại bất chấp các hệ thống phòng không và phòng thủ hiện đại. Mặc dù không tuyên bố chịu trách nhiệm, nhưng các chuyên gia quân sự nhận định các vụ nổ kho vũ khí, đạn dược… chắc chắn có liên quan đến Ukraine.
Trước các diễn biến mới, Ukraine và phương Tây cho rằng sức tấn công của Nga đang chậm lại do suy sụp về tinh thần, giảm sút sức chiến đấu và khả năng tiếp tế. Còn phía Nga, giới chức quốc phòng nước này cho biết, việc quân đội Nga giảm nhịp độ tấn công là nhằm giảm bớt thương vong cho dân thường. Thực tế cho thấy, đây cũng không phải là cuộc chiến Nga-Ukraine mà được coi là cuộc chiến giữa Nga với Mỹ và phương Tây. Về phía Nga, nếu nước này không tập trung năng lực tối đa, huy động cả nhân lực và vật lực cho cuộc chiến thì khó có thể giành được thắng lợi áp đảo trước quân đội Ukraine. Trong khi đó, Ukraine hiện nay thiếu rất nhiều nguồn lực và phải dựa vào viện trợ quân sự nước ngoài mới có thể đối phó được với quân đội Nga.
Cho đến này, chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy xung đột Nga-Ukraine có thể giảm nhiệt cũng như có một giải pháp đàm phán hòa bình khả thi. Cả chính quyền Nga và Ukraine lẫn các nước phương Tây đều có những lý do mang tính sống còn không thể nhượng bộ trong cuộc chiến này. Cho đến nay, phía Ukraine đã tiến hành tổng động viên và tuyên bố mục tiêu thành lập lực lượng gồm 1 triệu người, chuyển sang sử dụng vũ khí của phương Tây trong khi Tổng thống Nga hôm qua cũng vừa ký sắc lệnh tăng quân, từ 1,9 triệu lên 2,04 triệu quân nhân. Các động thái mới nhất cho thấy, xung đột Nga-Ukraine sẽ còn kéo dài và lợi thế thuộc về bên nào còn phụ thuộc một phần vào các yếu tố bên ngoài, như sự ủng hộ của Mỹ và phương Tây, khủng hoảng khí đốt tại châu Âu, tác động của các lệnh trừng phạt đối với kinh tế Nga…
Tỷ lệ ủng hộ ông Biden tiếp tục tăng với gói viện trợ mới?
Trước thềm bầu cử Quốc hội giữa kỳ, cả hai đảng Dân chủ, Cộng hòa và Tổng thống Biden đang có nhiều nỗ lực thu hút sự ủng hộ của cử tri Mỹ. Một số chuyên gia cũng nhận định, trước nhiều khó khăn trong nước như lạm phát tăng kỷ lục, giá xăng dầu, hàng tiêu dùng tăng vọt… Tổng thống Biden và đảng Dân chủ ưu tiên tìm kiếm lợi thế trong chính sách đối ngoại đặc biệt là cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc và Nga. Các gói viện trợ mới nhất dành cho Ukraine có thể sẽ giúp Tổng thống Biden gia tăng thêm uy tín khi động thái mới này gần như phù hợp với quan điểm của Quốc hội Mỹ cũng như quan điểm của người dân Mỹ về cuộc chiến tại Ukraine.
Theo cuộc thăm dò mới nhất do hãng tin Reuters thực hiện hôm qua, có tới 53% số người được hỏi ủng hộ viện trợ cho Ukraine cho đến khi nào Nga rút toàn bộ quân đội ra khỏi Ukraine trong khi chỉ có 18% phản đối. Trong số đó, có 51% ủng hộ việc cung cấp súng và vũ khí chống tăng cho quân đội Ukraine trong khi 22% số người được hỏi phản đối. Các kết quả thăm dò gần đây nhất cũng cho thấy sự ủng hộ của dư luận Mỹ đối với chính sách của Tổng thống Biden trong vấn đề Ukraine bất chấp các lo ngại về khủng hoảng kinh tế và các vấn đề xã hội khác.
Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng, các động thái mới của Mỹ có thể đẩy cuộc chiến Nga-Ukraine vượt ra ngoài khuôn khổ biên giới hai nước. Theo như chuyên gia nghiên cứu châu Âu Sean Monaghan, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, với các chính sách của Tổng thống Biden và quan điểm của Tổng thống Nga Putin, cuộc chiến hiện nay giữa Nga và Ukraine có thể lan rộng hơn và khiến các nỗ lực đàm phán chấm dứt xung đột khó khăn hơn nhiều, thậm chí là không thể diễn ra trong ngắn hạn”./.