Cuộc xung đột Nga-Ukraine dường như đang bước vào giai đoạn leo thang nguy hiểm với một loạt mối đe dọa trên nhiều lĩnh vực, từ cảnh báo sử dụng vũ khí hạt nhân, bắn hạ vệ tinh, nhắm mục tiêu vào mạng lưới năng lượng đến các cuộc tấn công bằng phương tiện không người lái nhằm vào Hạm đội Biển Đen của Nga, các vụ nổ tại đường ống dẫn dầu của Dòng chảy phương Bắc và vụ tấn công cây cầu Crimea.
Tướng Mark A Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ đã đưa ra những đánh giá cụ thể về tình hình chiến sự tại Ukraine, hối thúc các bên đàm phán để tìm kiếm ngoại giao, kêu gọi Tổng thống Zelensky, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ và các đồng minh trong NATO tính toán một cách cẩn trọng từng đường đi nước bước.
Trong khi đó, tuyên bố của Ukraine cho rằng cuộc phản công của nước này đang diễn ra rất hiệu quả, với sự hỗ trợ về tài chính và quân sự của NATO do Mỹ dẫn đầu, khiến Kiev có lý do để tin tưởng việc tiếp tục chiến đấu để giành lại những vùng lãnh thổ đã mất là điều khả thi thay vì ngồi vào bàn đám phán với Nga. “Đây là một suy nghĩ mạo hiểm”, Thiếu tướng về hưu SB Asthana của Ấn Độ đồng thời là nhà phân tích quốc phòng, nhận định. Về phần mình, Nga đã và đang củng cố những lợi thế đạt được cho đến khi mùa Đông bắt đầu.
Nhà phân tích SB Asthana cho rằng, các khía cạnh của cuộc chiến đang được mở rộng, chẳng hạn như nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng sử dụng cho cả mục đích quân sự lẫn dân sự, mạng lưới năng lượng, hoạt động bí mật, chiến tranh thông tin, sử dụng lính đánh thuê. Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy xung đột sắp kết thúc và cũng không bên nào tiến gần hơn đến điều mà họ cho là một chiến thắng cụ thể trên chiến trường.
Giải mã ý định và chiến lược của Nga
Sau khi không đạt được những bước tiến mới trong các hoạt động quân sự tại Kharkov và Kherson và đánh giá sai lệch về khả năng hỗ trợ của NATO dành cho Ủkaine, Nga dường như đã thay đổi đáng kể chiến lược của nước này.
Một số nhà phân tích cho rằng, để đạt được mục tiêu quan trọng là giải phóng Donbass và giành quyền kiểm soát miền Nam Ukraine, Nga cần rất nhiều thời gian và sức lực. Xét từ góc độ quân sự, việc củng cố những lợi thế đạt được, bố trí lại quân đội tại những khu vực thân thiện với Nga, rút lui khỏi những vùng nguy hiểm và tái tập hợp lực lượng là lựa chọn hợp lý.
Nga dường như nhận ra rằng họ đã mở ra những mặt trận rộng lớn vượt quá giới hạn tuyến đường tiếp tế, do đó, thu hẹp địa bàn chiến đấu và nỗ lực bảo vệ những tuyến phòng thủ sẵn có là điều cần thiết. Logic rút khỏi thành phố Kherson dường như cũng nằm trong chiến lược này, vì việc cố thủ tại một khu vực rộng lớn như vậy trong tình trạng thiếu bộ binh sẽ khiến quân đội Nga chịu nhiều thương vong trước các cuộc tấn công của đối phương. Khi lực lượng Nga rút về bờ Đông sông Dnieper, họ sẽ củng cố được tuyến phòng thủ vững chắc hơn và có thêm nhân lực để tiến hành hoạt động tấn công ở khu vực Donetsk.
Xét theo quan điểm của Moscow, mạng lưới năng lượng và cơ sở hạ tầng tại Ukraine có thể mang tính lưỡng dụng (sử dụng cho cả mục đích quân sự và dân sự), do vậy, việc tấn công vào mạng lưới này sẽ làm suy yếu quyết tâm chiến đấu của quân đội Ukraine nhanh hơn so với giao tranh trực diện tại những khu vực ủng hộ chính phủ nước này. Bên cạnh đó, Nga liên tiếp nhắc lại lời cảnh báo sử dụng vũ khí hạt nhân nếu sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga bị đe dọa, nhằm ngăn cản NATO tham gia vào cuộc chiến.
Điện Kremlin dường như tính toán rằng, việc giữ vững quyền kiểm soát những vùng lãnh thổ hiện tại và tận dụng thời điểm giao tranh tạm lắng trong mùa Đông để tái tập hợp lực lượng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho Nga tiến hành một cuộc tấn công mới nhằm đạt được các mục tiêu quân sự còn lại, đồng thời giúp họ có đòn bẩy mạnh mẽ hơn trong cuộc thương lượng với Ukraine và phương Tây. Mặc dù cả quân đội Nga và Ukraine đều quen với việc chiến đấu trong mùa Đông nhưng sự vượt trội về mặt quân số có thể mang lại lợi thế cho Nga hơn.
Ý định và chiến lược của NATO
NATO ngày càng khẳng định quyết tâm tăng cường viện trợ về quân sự và tài chính cho Ukraine sau khi nước này đạt được một số bước tiến mới trên chiến trường. Nhưng nhà phân tích SB Asthana cho rằng, họ không nên phớt lờ lời cảnh báo sử dụng vũ khí hạt nhân của Tổng thống Putin vì Moscow có thể tiến hành một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật nếu “lằn ranh đỏ” của họ bị phá vỡ.
Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, ngay cả khi NATO đầu tư hàng tỷ USD cho Ukraine thì điều này cũng sẽ tạo ra rất ít sự thay đổi trên thực địa. Tướng Milley không phải là quan chức duy nhất ủng hộ đường lối ngoại giao.
Có thể nói Mỹ - quốc gia dẫn đầu NATO đã đạt được nhiều mục tiêu kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Dòng chảy phương Bắc 1 và Dòng chảy phương Bắc 2 dẫn khí đốt từ Nga tới châu Âu đã bị dừng hoạt động. Tầm ảnh hưởng của Nga tại châu Âu cũng bị sụt giảm trong khi tầm ảnh hưởng của Mỹ ngày càng gia tăng. EU có rất ít sự lựa chọn và buộc phải mua dầu mỏ cũng như khí tài quân sự đắt đỏ của Mỹ. Sau khi giành được một số mục tiêu nhất định, Washington cho rằng, giờ là lúc Ukraine cần phải ngồi vào bàn đàm phán với Nga. Vấn đề nan giải là Ukraine không sẵn sàng đàm phán khi nhiều phần lãnh thổ của nước này vẫn nằm trong tay Nga.
Viện Kinh tế Thế giới Kiel ước tính, Ukraine đã nhận khoản viện trợ khổng lồ trị giá hơn 90 tỷ USD và điều này đang mang lại cho Tổng thống Zelensky hy vọng đẩy lùi Nga để giành lại toàn bộ vùng lãnh thổ đã mất. Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận, là kể từ khi xung đột nổ ra, Ukraine đã mất 15% diện tích lãnh thổ, hơn 6 triệu người phải sơ tán trong nước và gần 8 triệu người phải tị nạn ở các quốc gia khác. Một nửa cơ sở hạ tầng tại Ukraine bị phá hủy. Chưa kể quân đội nước này cũng chịu nhiều thương vong trên chiến trường sau hơn 9 tháng giao tranh.
Cựu tướng Ấn Độ SB Asthana cho rằng, mục tiêu của Ukraine giành lại toàn bộ lãnh thổ từ tay Nga sẽ rất khó thực hiện ngay cả khi có sự hỗ trợ về quân sự và vũ khí của NATO. Chưa kể, sự can dự của NATO có thể dẫn đến một cuộc xung đột ủy nhiệm kéo dài bất tận./.