Vốn được coi là “sân sau” của Nga, khu vực Trung Á đang ngày càng khẳng định vị thế địa chiến lược - đặc biệt khi cuộc khủng hoảng Ukraine đang tác động mạnh mẽ, làm thay đổi cục diện các mối quan hệ địa chính trị trên toàn cầu. Vì thế, cũng không khó hiểu khi châu Âu đang nỗ lực “xích lại gần hơn” với khu vực này.

Mục đích của châu Âu khi xích lại gần Trung Á

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đang có chuyến công du Kazakhstan dự Hội nghị Thượng đỉnh EU - Trung Á và sau đó dự kiến thăm Uzbekistan.

Việc Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel công du Kazakhstan và dự Thượng đỉnh EU - Trung Á là bước đi mới nhất trong nỗ lực của Liên minh châu Âu nhằm thiết lập một mối quan hệ đối tác chiến lược mới với các quốc gia Trung Á.

Kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh và việc nhiều quốc gia Trung Á tách ra khỏi Liên bang Xô Viết để trở thành các quốc gia độc lập thì trong phần lớn khoảng thời gian của 3 thập kỷ trở lại đây, khu vực Trung Á không phải là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu.

Một phần là vì sự cách trở về địa lý, khi châu Âu còn nhiều mối quan tâm hơn ở các khu vực lân cận là Trung và Đông Âu hay khu vực Balkan, nhưng phần quan trọng hơn, đó là các nước Trung Á vẫn được mặc định là khu vực ảnh hưởng truyền thống được bảo vệ chặt chẽ của Nga. 5 quốc gia ở Trung Á là Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Turkmenistan đều là các đối tác an ninh và kinh tế phụ thuộc chặt chẽ vào Nga. Chính vì thế, phương Tây mặc dù luôn có ý muốn xâm nhập vào khu vực này nhưng luôn gặp rất nhiều cản trở về địa chính trị.

Tuy nhiên, châu Âu đang dần có cách tiếp cận khác với các quốc gia Trung Á trong vài năm qua. Sau cuộc khủng hoảng tại Afghanistan vào tháng 8/2021 đánh dấu sự rút lui và suy giảm ảnh hưởng đáng kể của các nước phương Tây tại khu vực Trung và Nam Á, châu Âu đã tìm kiếm các đối tác mới ổn định hơn trong khu vực.

Tháng 11/2021, ông Kassym-Jomart Tokayev, Tổng thống Kazakhstan, quốc gia lớn nhất ở Trung Á, đã có chuyến thăm đáng chú ý đến Brussels và thảo luận với các quan chức EU việc thiết lập một quan hệ đối tác chiến lược. Tháng 9/2022, tại kỳ họp Đại hội đồng LHQ ở New York, ông Tokayev cũng đã gặp Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen và hai bên cũng đã thống nhất đẩy mạnh hợp tác chiến lược về nguyên liệu, pin điện và hydrogen. Do đó, chuyến công du lần này của ông Charles Michel đến Trung Á là một bước đi nữa để xây dựng các quan hệ vững chắc hơn với các quốc gia Trung Á.

Mối quan tâm đầu tiên của châu Âu tại khu vực này là lợi ích kinh tế, cụ thể là tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, năng lượng. Đây là khu vực rất giàu tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt Kazakhstan có thể xem là một cường quốc tài nguyên thiên nhiên của thế giới, có trữ lượng lớn về uranium, lithium, cobalt, dầu mỏ… Đây là nguồn nguyên liệu mà không chỉ châu Âu mà rất nhiều cường quốc khác trong khu vực và trên thế giới đặc biệt mong muốn, nhất là trong bối cảnh thế giới đang chạy đua về sản xuất pin điện, về năng lượng mới.

Đối với châu Âu, nguồn tài nguyên của Trung Á càng quan trọng hơn khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra buộc khối này này phải đi tìm các đối tác mới có thể cung cấp nguồn năng lượng lâu dài và ổn định. Báo chí châu Âu đã nói rất nhiều về dự án Middle Corridor, tức “Hành lang trung tâm” tức kết nối châu Âu với các thị trường lớn ở phương Đông mà không chạy qua Nga. Trước đó, châu Âu cũng đã tìm cách tiếp cận một số nước lân cận khu vực Trung Á là Azerbaijan để mua khí đốt.

Mục đích lớn thứ hai của châu Âu là về địa chính trị. Trước đây châu Âu tưong đối dè dặt trong việc đẩy mạnh quan hệ với các nước Trung Á vì ngoài một số khác biệt còn tranh cãi về tôn giáo, nhân quyền… thì châu Âu xem đây là khu vực “sân sau” của Nga nên e ngại va chạm lợi ích với Nga. Tuy nhiên, khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra và quan hệ châu Âu - Nga biến thành đối đầu toàn diện thì việc thâm nhập vào khu vực này có thể xem như là cách mà châu Âu tấn công vào vùng ảnh hưởng của Nga, tạo ra cho Nga các mối bận tâm khác, buộc Nga không thể dồn toàn lực cho các mục tiêu ở phía Tây.

Các nước Trung Á liệu có “mở lòng” với châu Âu?

Trong số 5 quốc gia Trung Á, Kazakhstan là quốc gia lớn nhất cả về địa lý lẫn tiềm lực kinh tế, tài nguyên. Tuy nhiên, Kazakhstan vừa trải qua những biến động chính trị lớn hồi đầu năm nay và buộc phải nhờ đến sự can thiệp trực tiếp của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO), tức tổ chức quy tụ các quốc gia thuộc Liên Xô trước đây do Nga dẫn dắt.

Sự kiện này cho thấy Kazakhstan vẫn phụ thuộc rất lớn vào Nga về mặt an ninh. Điều này cũng đúng với 4 quốc gia Trung Á còn lại khi tất cả các nước này đều là thành viên CSTO, thành viên của Liên minh kinh tế Á - Âu do Nga dẫn dắt cũng như một số thiết chế liên quan đến một số cường quốc khác trong khu vực. Vì thế, mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa các nước Trung Á với Nga về an ninh, kinh tế, chính trị… không dễ bị gạt bỏ hoặc bị lấn át bởi các cơ hội hợp tác mới với châu Âu.

Dù vậy, cuộc xung đột Nga - Ukraine thực sự đã tạo ra các biến động rất lớn về môi trường địa chính trị và tư duy địa chính trị. Qua những gì đã thể hiện công khai trong thời gian qua, có thể thấy một số nước Trung Á, nhất là Kazakhstan, theo đuổi một quan điểm tương đối thận trọng đối với các hành động của Nga. Đây là điều có thể hiểu được bởi các nước này cũng có những quan hệ lịch sử gắn chặt với Nga như Ukraine trước đây và ở một khía cạnh nào đó, cũng phải chịu một số sức ép nhất định trong việc cân bằng ảnh hưởng giữa các cường quốc.

Nhìn trên khía cạnh đó, có thể nhận định rằng các nước Trung Á cũng sẽ có một cách tiếp cận thận trọng với châu Âu. Nhu cầu mở rộng quan hệ hợp tác về kinh tế với châu Âu là có thật khi các nước Trung Á cũng muốn thu hút các nguồn vốn và công nghệ của châu Âu. Tuy nhiên, trước mắt hai bên sẽ tập trung nhiều vào các hợp tác kinh tế bởi đây là điều mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên và cũng không tạo ra các e ngại về an ninh với bên thứ ba.

Việc Trung Á có thể “mở lòng” với châu Âu đến mức nào sẽ còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố bởi Trung Á là mảnh đất mới đối với châu Âu, là nơi mà các cường quốc khác đã có sự thâm nhập và tạo dựng được các ảnh hưởng rất vững chắc về kinh tế - chính trị - an ninh. Điều quan trọng là Trung Á đã có tấm gương Ukraine để nhìn vào và hành động một cách thận trọng hơn rất nhiều.

Triển vọng và kết quả Hội nghị Thượng đỉnh EU - Trung Á

Chuyến đi của ông Charles Michel đến Kazakhstan để dự Thượng đỉnh EU - Trung Á và sau đó là đi thăm Uzbekistan sẽ thúc đẩy các bên đưa ra được những lộ trình hợp tác cụ thể, như hợp tác giữa các nước này với Liên minh nguyên liệu và Liên minh pin châu Âu. Các nước Trung Á đều là các nước có nguồn tài nguyên rất lớn mà châu Âu muốn tận dụng. Lĩnh vực hợp tác lớn thứ hai có thể liên quan đến cơ sở hạ tầng.

Cuối năm 2021 Liên minh châu Âu đã tung ra đại dự án mang tên “Global Gateway” (Cổng kết nối toàn cầu) với tham vọng triển khai các dự án cơ sở hạ tầng, công nghệ kết nối châu Âu với nhiều khu vực đang phát triển trên thế giới, trong đó trọng tâm hướng về khu vực Trung Á, châu Phi…, một mặt là để tạo dựng ảnh hưởng của châu Âu tại các khu vực này, mặt khác là để cạnh tranh địa chính trị với các cường quốc khác.

Do đó, phía châu Âu nhiều khả năng sẽ thúc đẩy các dự án liên quan đến lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Hiện nay Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD) đang tài trợ cho việc nghiên cứu các giải pháp tăng cường kết nối châu Âu với khu vực Trung Á và dự kiến sẽ đưa ra các đề xuất cụ thể tại một cuộc họp vào tháng 11/2022 tại Uzbekistan.

Cuối cùng, một chủ đề khác có thể cũng sẽ được hai bên thảo luận, dù không liên quan trực tiếp đến 5 nước Trung Á, đó là xung đột Azerbaijan - Armenia, những quốc gia lân cận khu vực này quanh biển Caspi. Châu Âu luôn có ý định đóng vai trò hoà giải lớn hơn trong xung đột này và có thể sẽ tìm kiếm sự ủng hộ từ các nước Trung Á để đẩy mạnh hơn tiến trình này./.